Kim loại đồng thường được ví như thước đo phản ánh sức khoẻ của nền kinh tế trên toàn cầu, nên việc giá đồng sụt giảm mạnh khiến cho các nhà đầu tư đặt ra rất nhiều câu hỏi về nguyên nhân đằng sau sự lao dốc trong thời gian vừa qua.

Chỉ trong vòng ba tuần, giá đồng đã giảm 11% về 9.442,4 USD/tấn, và là mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021 tới nay.

Nhu cầu tiêu thụ sụt giảm vì nền kinh tế toàn cầu mất đà tăng trưởng

Nền kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là cú sốc lạm phát được gây ra bởi những bất ổn ở khu vực Biển Đen và đại dịch Covid-19 kéo dài. Kim loại đồng vốn là nguyên liệu đầu vào thiết yếu với nhiều ngành sản xuất công nghiệp, nên việc giá đánh mất mốc 10,000 USD có thể cho thấy triển vọng tăng trưởng toàn cầu trở nên xấu đi.

Chính phủ Mỹ mới đây đã công bố tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý I/2022 giảm 1,4% và là lần đầu tiên ghi nhận mức sụt giảm kể từ năm 2020.

GDP quý I của Trung Quốc cũng chỉ đạt 4,8%, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu của Bắc Kinh là 5,5%. Chỉ số Quản lý thu mua (PMI), đo lường mức độ hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, của cũng xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020 – thời điểm mà đại dịch Covid-19 bùng phát lần đầu tiên.

Số liệu này cho thấy các chính sách chống dịch nghiêm ngặt đã làm ngưng trệ hoạt động sản xuất công nghiệp và chuỗi cung ứng, đồng thời làm dấy lên lo ngại về sự suy giảm kinh tế mạnh trong quý II, và có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng toàn cầu.

Chỉ số PMI của Mỹ cũng giảm tháng thứ 3 liên tiếp về 55,4 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2020.

Có thể thấy, hoạt động sản xuất tại các khu vực trọng yếu đều đang sụt giảm, khiến cho triển vọng tiêu thụ đồng cũng không mấy khả quan và kéo theo giá đồng lao dốc.

Sức ép từ các chính sách tiền tệ thắt chặt của Fed

Trong tuần này, các nhà đầu tư đều đang hướng sự chú ý về nội dung cuộc họp của Uỷ ban Thị trường mở Liên bang (FOMC), để đón chờ những thay đổi trong chính sách tiền tệ của Mỹ.

Vì đồng USD vẫn là đồng tiền chính được sử dụng trong thanh toán quốc tế, nên diễn biến giá của đồng bạc xanh cũng có những ảnh hưởng nhất định lên giá hàng hoá, bao gồm cả giá đồng. Trong bối cảnh các nhà đầu tư đều kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ mạnh tay tăng lãi suất và cắt giảm quy mô tài sản hơn 9.000 tỷ USD để kiềm chế lạm phát, chỉ số Dollar Index đã tăng lên hơn 103 điểm, mức cao nhất kể từ năm 2017.

Đồng USD mạnh lên, một mặt sẽ khiến cho chi phí nắm giữ đồng trở nên đắt đỏ hơn và làm giảm nhu cầu đầu tư. Mặt khác, chi phí vay gia tăng sẽ khiến cho nền kinh tế toàn cầu “nhạy cảm” hơn với bất kỳ cú sốc nào và càng gia tăng lo ngại về suy thoái.

Ngoài ra, các chính sách của Fed đang khiến cho mức lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ trở nên hấp dẫn hơn so với các nền kinh tế khác, và điều này sẽ trực tiếp làm giảm dòng vốn đầu tư vào Trung Quốc, hiện là nhà tiêu thụ đồng số một thế giới.

Hiện nay, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) vẫn đang duy trì các chính sách tiền tệ nới lỏng, và có thể gia tăng thanh khoản đồng thời, mở rộng tín dụng để hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, hiện chưa có bất kỳ thông báo cụ thể nào được đưa ra, nên thị trường đồng cũng không nhận được sự hỗ trợ nào đáng kể do nhu cầu tiêu thụ vẫn “dậm chân tại chỗ”.

Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam, diễn biến của thị trường đồng sẽ ngày càng trở nên khó đoán hơn bởi giá chịu tác động bởi một loạt các chính sách kinh tế vĩ mô ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới, và các nhà đầu tư sẽ cần một khoảng thời gian để hấp thụ hết tác động từ những tin tức này.

Tiên Phạm

Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam

Nguồn: Mxv