Kinh tế là tổng hòa các mối quan hệ tương tác lẫn nhau giữa con người và xã hội liên quan trực tiếp đến việc trao đổi, sản uất phân phối và tiêu dùng các loại sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ, nhằm thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của con người trong một xã hội với một nguồn lực có giới hạn

Kinh tế học là một bộ môn khoa học xã hội giúp cho con người hiểu về cách thức vận hành của nền kinh tế nói chung và cách thức ứng xử của từng chủ thể tham gia vào nền kinh tế nói riêng. Vấn đề khan hiếm nguồn lực yêu cầu các nền kinh tế hay các đơn vị kinh tế phải lựa chọn. Các Nhà Kinh tế cho rằng: Kinh tế học là “khoa học của sự lựa chọn”. Kinh tế học tập trung vào việc sử dụng và quản lý các nguồn lực hạn chế để đạt được thỏa mãn tối đa nhu cầu vật chất của con người. Đặc biệt, kinh tế học nghiên cứu hành vi trong sản xuất, phân phối và tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ trong thế giới có nguồn lực hạn chế.

Kinh te hoc Economics

Kinh tế học chủ yếu nghiên cứu phương thức xã hội quản lý nguồn lực khan hiếm của xã hội, tức là giải quyết ba vấn đề cơ bản của nền kinh tế

  • Sản xuất cái gì?
  • Sản xuất như thế nào? 
  • Sản xuất cho ai?

Thực tế, nguồn lực được phân bổ không phải chỉ do nhà hoạch định duy nhất của chính phủ trung ương, mà còn thông qua sự tác động qua lại của hàng triệu hộ gia đình và doanh nghiệp. Do vậy, kinh tế học cần tìm hiểu xem mọi cá nhân ra quyết định thế nào, quyết định làm việc bao nhiêu, mua cái gì, tiết kiệm như thế nào và khoản tiết kiệm đó đầu tư ra sao. Kinh tế học cũng cần nghiên cứu, phân tích làm thế nào mà rất nhiều người mua cùng một sản phẩm lại có thể cùng nhau tạo ra một mức giá duy nhất và một lượng hàng ổn định. Mục tiêu cuối cùng, kinh tế học phải phân tích được các lực lượng và xu thế ảnh hưởng đến nền kinh tế với tư cách tổng thể, tốc độ tăng trưởng của thu nhập bình quân, thất nghiệp và sự gia tăng của giá cả.

Nội dung chính

10 nguyên lý của kinh tế học:

Nền kinh tế không có gì là bí hiểm cả, xét cho cùng, khái niệm này được dùng để chỉ “một nhóm người tác động qua lại với nhau trong cuộc đấu tranh sinh tồn”. Quy cho cùng, thì hoạt động của nền kinh tế chẳng qua chỉ là tác động tổng hợp hoạt động của các cá nhân cấu thành nền kinh tế.

cac nguyen li kinh te

Nguyên lý 1: Con người đối mặt với sự đánh đổi

“Mọi thứ đều có giá” – Để có được một thứ ưa thích, người ta phải bỏ ra một thứ khác mà mình thích. Nói cách khác, quá trình ra quyết định đòi hỏi phải đánh đổi (Trade-off) một mục tiêu nào đó để đạt được mục tiêu khác.

su danh doi trade off

Nguyên lý 2: Chi phí của một thứ là thứ mà bạn phải từ bỏ để có được nó

Sự đánh đổi liên quan đến lợi ích và tổn thất, vì vậy trong quá trình ra quyết định, ta thường so sánh giữa chi phí và lợi ích của các cách hành động khác nhau. Cái khó ở đây là trong nhiều trường hợp, chi phí của một số hành động không phải lúc nào cũng rõ ràng như khi mới nhìn qua.

Ví dụ, việc quyết định đi học đại học: Ích lợi của cách hành động này là giàu thêm kiến thức và có cơ hội có được công việc làm tốt hơn trong suốt cả cuộc đời. Thế còn chi phí của nó là gì? Nó chính là tổng cộng các khoản tiền phải trả để có được việc học hành này (học phí, tài liệu, sinh hoạt phí,…). Nhưng tổng số tiền đó thực sự chưa phải là toàn bộ những gì bạn phải từ bỏ để theo học đại học.

Ví dụ trên cho thấy:

Thứ nhất, nó bao gồm cả những thứ không thực sự là chi phí cho việc học đại học. Kể cả không phải học đại học, người ta vẫn phải chi phí sinh hoạt, vẫn phải chi cho ăn uống, chỗ ở. Tiền ăn uống ở trường đại học chỉ trở thành chi phí cho việc học đại học khi nó cao hơn ở những nơi khác. Cũng có khi, sinh hoạt phí ở trường đại học có thể rẻ hơn những nơi khác – Trường hợp này, số tiền tiết kiệm được trở thành ích lợi cho việc học đại học.

Thứ hai, nó bỏ qua khoản chi phí lớn nhất cho việc học đại học là thời gian của việc học. Khi dành một khoảng thời gian để nghe giảng, đọc tài liệu và viết tiểu luận, người ta không thể sử dụng nó để làm việc khác. Nhiều người hiểu rằng tiền lường phải từ bỏ do không đi làm để đi học đại học là khoản chi phí lớn nhất cho việc học đại học.

Chi phí cơ hội (opportunity cost) của một thứ là thứ mà bạn phải từ bỏ để có được nó. Khi quyết định bất kỳ việc gì (chẳng hạn đi học đại học), người ra quyết định phải xem xét đến chi phí cơ hội gắn với các hành động có thể thực hiện. Chi phí cơ hội của các vận động viên thể thao ở lứa tuổi sinh viên có thể rất cao – họ có thể kiếm được rất nhiều tiền nếu bỏ học, để chơi các môn thể thao nhà nghề. Đương nhiên, mọi người hiểu rằng, ích lợi của việc học đại học là quá nhỏ so với chi phí.

chi phi co hoi

Nguyên lý 3: Con người hành động hợp lý (rational people) suy nghĩ tại điểm cận biên

Các quyết định trong cuộc sống hiếm khi được đưa ra dưới dạng có hoặc không, mà thường là dưới dạng tăng thêm hay giảm đi một lượng nào đó. Khi đến giờ ăn tối, bạn phải đối mặt không phải là ăn hay không ăn, mà là có nên ăn thêm một ít cơm hoặc thức ăn không. Khi kỳ thi đến, vấn đề không phải là bỏ mặc bài vở hay học 24 giờ một ngày, mà là nên học thêm một tiếng nữa hay dừng lại để lên mạng Wikipedia. Các nhà kinh tế sử dụng thuật ngữ thay đổi cận biên để chỉ những điều chỉnh nhỏ và tăng dần trong kế hoạch hành động hiện tại. Cận biên có nghĩa là lân cận một cái gì đó và bởi vậy thay đổi cận biên là những điều chỉnh ở vùng lân cận.

Nhiều trường hợp, mọi người đưa ra được quyết định tối ưu nhờ tính đến điểm cận biên; bằng cách so sánh ích lợi cận biên và chi phí cận biên.

Nguyên lý 4: Con người phản ứng lại các kính thích: 

Con người ra các quyết định dựa trên sự so sánh chí phí và ích lợi, nên hành vi của họ có thể thay đổi khi chi phí, ích lợi hoặc cả hai thay đổi

Nguyên lý 5: Thương mại làm cho mọi người đều có lợi

Nguyên lý 6: Thị trường thường là phương thức tốt để tổ chức hoạt động kinh tế

Tham khảo: Lý thuyết bàn tay vô hình – nhà kinh tế học Adam Smith

Nguyên lý 7: Đôi khi chính phủ cải thiện được kết cục của thị trường

Thúc đẩy hiệu quả và công bằng của xã hội là hai nguyên nhân chủ yếu để chính phủ can thiệp vào nền kinh tế. Nghĩa là, hầu hết các chính sách đều nhằm vào mục tiêu vừa làm cho chiếc bánh kinh tế lớn lên và vừa làm thay đổi cách thức phân chia chiếc bánh đó.

Tham khảo: Lý thuyết bàn tay hữu hình -Keynes

Nguyên lý 8: Mức sống của một nước phụ thuộc vào năng lực sản xuất của nước đó

Hầu hết sự khác biệt về mức sống có nguyên nhân ở sự khác nhau về năng suất lao động của mỗi quốc gia (số lượng hàng hóa được làm ra trong mỗi một giờ lao động của một công nhân). Ở những quốc gia, người lao động sản xuất ra được lượng hàng hóa và dịch vụ lớn hơn trong một đơn vị thời gian, thì hầu hết người dân được hưởng mức sống cao; còn những quốc gia có năng suất kém hơn, thì hầu hết người dân phải chịu cuộc sống khó khăn. Thực chất, tốc độ tăng năng suất lao động của một quốc gia quyết định tốc độ tăng thu nhập bình quân của quốc gia đó.

Nguyên lý 9: Giá cả tăng khi chính phủ in quá nhiều tiền

Lạm phát: Sự gia tăng của mức giá chung

Trong dài hạn, nguyên nhân chủ yếu gây ra lạm phát chính là sự gia tăng quá mức của lượng tiền làm cho tiền mất giá. Khi Chính phủ phát hành ra một lượng tiền lớn, giá trị của tiền sẽ giảm.

Nguyên lý 10: Trong ngắn hạn Chính phủ đối mặt với sự đánh đổi ngắn hạn giữa lạm phát và thất nghiệp

Nếu lạm phát như vậy, thì tại sao đôi khi các nhà hoạch định chính sách lại gặp rắc rối trong việc chèo lái con thuyền kinh tế? Một lý do là mọi người cho rằng chính sách cắt giảm lạm phát thường gây ra sự gia tăng tạm thời của thất nghiệp. Đồ thị minh họa cho sự đánh đổi giữa lạm phát và thất nghiệp được gọi là đường phillips (Phillips curve).

Duong cong philips

Các thuật ngữ kinh tế cơ bản: 

 

Sự khan hiếm scarcity
Nền kinh tế economy
Kinh tế học economics
Hiệu quả efficiency
Công bằng equality
Chi phí cơ hội opportunity cost
Thất bại thị trường market failures
Sức mạnh thị trường market power
Năng suất productivity
Lạm phát inflation
Đường Phillips Phillips curve
Những thay đổi cận biên marginal changes
Nền kinh tế thị trường market economy

 

Lịch sử ra đời và phát triển của kinh tế học: 3 giai đoạn

  • Giai đoạn 1: 1776 – 1936

Đặc điểm thực tiễn: Nền kinh tế của các nước TBCN phát triển ở giai đoạn tự do cạnh tranh, hầu hết các thị trường đều đạt trạng thái cân bằng. 

Đặc điểm lý luận: Nhà kinh tế học người Anh Adam Smith với lý thuyết bàn tay vô hình : Thị trường là lực lượng duy nhất có thể điều tiết nền kinh tế. Kinh tế học vi mô ra đời

Đại khủng hoảng kinh tế (Great Depression 1929 – 1933), sự sụp đổ của TTCK Mỹ (Wall Street) vào năm 1929 khiến lý thuyết Adam Smith bị nghi ngờ.

dai khung hoang kinh te 1929

  • Giai đoạn 2: 1936 – 1971

Đặc điểm thực tiễn: nền kinh tế các nước TBCN phát triển sang giai đoạn độc quyền, các cuộc đại khủng hoảng kinh tế liên tục xảy ra, suy thoái kinh tế toàn cầu không có dấu hiệu phục hồi

Đặc điểm lý luận: Nhà kinh tế học người Anh J.M.Keynes cho rằng: Chính phủ là lực lượng duy nhất có thể điều khiển được nền kinh tế (bàn tay hữu hình). Kinh tế học vĩ mô ra đời.

  • Giai đoạn 3: 1971 đến nay

Đặc điểm thực tiễn: nền kinh tế các nước TBCN liên tục rơi vào các cuộc khủng hoảng kinh tế. Sự can thiệp của chính phủ (bàn tay hữu hình) đôi khi trở nên vô hiệu.

Đặc điểm lý luận: Nhà kinh tế học Paul Samuelson cho rằng: muốn điều tiết nền kinh tế phải sử dụng cả hai tay (bàn tay vô hình và hữu hình) (Kinh tế học vĩ mô tổng hợp).

  • Khủng hoảng Đông Á 1997
  • Khủng hoảng tài chính Mỹ và thế giới 2008 – 2010
  • Khủng hoảng nợ công châu Âu (từ 2010)

khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008

Kinh tế học có hai bộ phận cấu thành hữu cơ là kinh tế học vi mô và kinh tế học vĩ mô. Các Nhà Kinh tế phân kinh tế học theo hai mức độ phân tích khác nhau: vi mô và vĩ mô.

Kinh tế học vi mô (microeconomics)

Kinh tế học vi mô nghiên cứu các quyết định của các cá nhân và doanh nghiệp và các tương tác giữa các quyết định này trên thị trường. Kinh tế học vi mô giải quyết các đơn vị cụ thể của nền kinh tế và xem xét một cách chi tiết cách thức vận hành của các đơn vị kinh tế hay các phân đoạn của nền kinh tế.

Mục tiêu của kinh tế học vi mô nhằm giải thích giá và lượng của một hàng hóa cụ thể. Kinh tế học vi mô còn nghiên cứu các quy định, thuế của chính phủ tác động đến giá và lượng hàng hóa và dịch vụ cụ thể. Chẳng hạn, kinh tế học vi mô nghiên cứu các yếu tố nhằm xác định giá và lượng xe hơi, đồng thời nghiên cứu các quy định và thuế của chính phủ tác động đến giá cả và sản lượng xe hơi trên thị trường.

Kinh tế học vĩ mô (macroeconomics)

Kinh tế học vĩ mô nghiên cứu nền kinh tế quốc gia và kinh tế toàn cầu, xem xét xu hướng phát triến và phân tích biến động một cách tổng thể, toàn diện về cấu trúc của nền kinh tế và mối quan hệ giữa các bộ phận cấu thành của nền kinh tế.

Mục tiêu phân tích của kinh tế học vĩ mô nhằm giải thích giá cả bình quân, tổng việc làm, tổng thu nhập, tổng sản lượng sản xuất. Kinh tế học vĩ mô còn nghiên cứu các tác động của chính phủ như thu ngân sách, chi tiêu chính phủ, thâm hụt ngân sách lên tổng việc làm và tổng thu nhập. Chẳng hạn, kinh tế học vĩ mô nghiên cứu chi phí sống bình quân của dân cư, tổng giá trị sản xuất, thu chi ngân sách của một quốc gia.

Sự phân biệt kinh tế học vi mô và vĩ mô không có nghĩa là phải tách rời các vấn đề kinh tế một cách riêng biệt. Nhiều vấn đề liên quan đến cả hai. Chẳng hạn, sự ra đời của video game và sự phát triển của thị trường sản phẩm truyền thông. Kinh tế học vĩ mô giải thích ảnh hưởng của phát minh lên tổng chi tiêu và việc làm của toàn bộ nền kinh tế. Trong khi đó, kinh tế học vi mô giải thích các ảnh hưởng của phát minh lên giá và lượng của sản phẩm này và số người tham gia trò chơi.

Kinh tế học vi mô và kinh tế học vĩ mô là hai bộ phận cấu thành quan trọng của môn kinh tế học, có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Mối quan hệ này cho thấy rằng, trong thực tiễn quản lý kinh tế, cần thiết phải giải quyết tốt các vấn đề kinh tế trên cả hai phương diện vi mô và vĩ mô. Nếu chỉ tập trung vào những vấn đề vi mô như tối đa hóa lợi nhuận của doanh nghiệp mà không có sự điều tiết của chính phủ, thì không thể có một nền kinh tế thực sự phát triển ổn định, bình đẳng và công bằng.

Kinh tế vi mô và kinh tế vĩ mô

* Theo cách tiếp cận, kinh tế học được chia làm 2 dạng: 

Kinh tế học thực chứng: (positive analysis) mô tả và phân tích các sự kiện, những mối quan hệ trong nền kinh tế. Kinh tế học thực chứng trả lời cho câu hỏi “Là gì? Là bao nhiêu? Là như thế nào?”.

Kinh tế học chuẩn tắc: (normative analysis) lại liên quan đến quan điểm về đạo lý, chính trị của mỗi quốc gia, đó là việc đưa ra các phương án, các cách thức để giải quyết các vấn đề trong nền kinh tế. Kinh tế học chuẩn tắc là để trả lời câu hỏi “Nên làm cái gì?”.


Nguồn tham khảo:

Kinh tế học – Wikipedia. 

Kinh tế học vĩ mô – NEU & FTU