Giá bạc và giá bạch kim tiếp tục gặp áp lực trong phiên sáng do đồng bạc xanh tiếp tục mạnh lên.

Đà tăng của đồng USD được thúc đẩy khi giới đầu tư cho rằng thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bắt đầu giảm lãi suất có thể diễn ra muộn hơn so với dự báo trước đây. Các quan chức FED đã đưa ra những bình luận trái chiều về hướng đi của FED trong tương lai. Những quan điểm trái chiều này đã khiến tâm lý của thị trường trở nên thận trọng hơn, đặc biệt là trước thềm Mỹ công bố dữ liệu lạm phát tháng 12/2023. 

Ngoài ra, đồng USD cũng được hỗ trợ trước sự suy yếu của đồng yên Nhật, 1 trong 6 đồng tiền chủ chốt trong chỉ số Dollar Index, thước đo giá trị đồng USD. Theo dữ liệu từ Bộ Lao động Nhật Bản, mức lương thực tế được điều chỉnh theo lạm phát của nước này trong tháng 11/2023 giảm 3% so với một năm trước, giảm mạnh hơn nhiều so với mức giảm 2,3% trong tháng 10/2023. Trong khi đó, tăng trưởng tiền lương danh nghĩa tháng 11/2023 chỉ đạt 0,2%, mức thấp nhất trong gần 2 năm. Tăng trưởng tiền lương chậm lại sẽ là yếu tố cản trở Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) trong việc xem xét dỡ bỏ chính sách lãi suất âm, gây sức ép lên đồng yên.

Đối với kim loại cơ bản, trong hơn 1 tuần gần đây, giá đồng liên tục giảm khi giới đầu tư tỏ ra thất vọng về đà tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Bất chấp việc Trung Quốc phát đi tín hiệu tiếp tục nới lỏng chính sách để hỗ trợ nền kinh tế vào hôm qua, giá đồng vẫn giảm. Điều này cho thấy thị trường đang rất bi quan về triển vọng phục hồi của nước này.

Hơn nữa, trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu mới nhất của World Bank, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc được dự báo đạt 4,5% vào năm 2024, giảm 0,1 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 6, do chi tiêu tiêu dùng yếu hơn trong bối cảnh khủng hoảng bất động sản kéo dài. Do vậy, với việc thiếu vắng thông tin hỗ trợ kết hợp với sự sụt giảm niềm tin trên thị trường, giá đồng có thể tiếp tục giảm.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Nguồn: Mxv