Giá ngô kỳ hạn tháng 12 bắt đầu hồi phục trong phiên sáng nay sau khi lao dốc trong phiên hôm qua. Tuy nhiên, lực mua đối với ngô tương đối yếu và gần như vẫn đang nằm trong xu hướng tăng ngắn hạn.

Lực hỗ trợ nhẹ có thể đến từ việc USDA, lần đầu tiên trong hơn 3 tuần qua, thông báo Mỹ đã bán đơn hàng 137,2 nghìn tấn ngô niên vụ 23/24 cho Mexico trong báo cáo Daily Export Sales. Dù vậy, trong bối cảnh các thông tin cơ bản về cả nguồn cung và nhu cầu đều thiên về hướng “bearish” trong trung hạn, giá ngô nhiều khả năng sẽ tiếp tục ghi nhận suy yếu trong phiên hôm nay.

Trong báo cáo Export Sales mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), doanh số bán hàng ngô niên vụ 23/24 trong tuần trước chỉ đạt 566.857 tấn, giảm 24,7% so với tuần trước đó. Đáng chú ý, sự sụt giảm trên không đến từ những đối tác quan trọng như Mexcico hay Nhật Bản mà chủ yếu là do các lô hàng sang Trung Quốc sụt giảm (102.700 nghìn tấn).

Tính đến hết ngày 14/09, lũy kế bán hàng ngô niên vụ 23/24 mới chỉ đạt 11,73 triệu tấn, thấp hơn nhiều so với mức 12,4 triệu tấn cùng kỳ năm 2022 và mức 24,9 triệu tấn của năm 2021. Các số liệu trên càng củng cố thêm nhu cầu quốc tế đối với ngô Mỹ đang suy yếu, đặc biệt là Trung Quốc khi mà quốc gia nhập khẩu hàng đầu thế giới tìm đến nguồn cung Nam Mỹ nhiều hơn nhờ mức giá hấp dẫn.Tại Mỹ, giá các loại hàng hóa, trong đó có ngô đang phải chịu áp lực từ việc đồng USD mạnh lên và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng cao.

Đối với tiêu thụ nội địa, nhu cầu ngô cũng đang có dấu hiệu kém tích cực. Tồn kho ethanol trong tuần trước đã tăng mạnh trở lại và chạm mức cao nhất trong hơn 1 tháng qua trong khi sản lượng hàng ngày sụt giảm xuống dưới mốc 1 triệu thùng, mức sản lượng được duy trì trong 3 tháng trở lại đây. Nhìn chung, trong trung hạn, giá ngô CBOT sẽ chịu sức ép mạnh mẽ nếu nhu cầu tiêu thụ không có sự cải thiện.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) 

Nguồn: Mxv