Giá đồng liên tục giằng co trong phiên hôm nay trước một bên là áp lực từ các yếu tố vĩ mô, một bên là triển vọng về nhu cầu đang dần được cải thiện tại Trung Quốc. Trước các tác động trái chiều, nhiều khả năng giá sẽ dao động với biên độ hẹp và chờ đợi thêm thông tin về dữ liệu tiêu dùng tại Mỹ trong tháng 8 được công bố vào tối nay.

Về mặt vĩ mô, trong khi chỉ số giá tiêu dùng CPI gây thất vọng cho các nhà đầu tư khi bất ngờ tăng so với tháng trước đó, thì chi phí hàng hoá dịch vụ trung gian phục vụ cho lĩnh vực sản xuất tiếp tục hạ nhiệt trong tháng 8. Do đó, thị trường sẽ cần thêm thông tin nhằm đánh giá kỹ hơn về tình hình kinh tế Mỹ và các bước đi của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong giai đoạn tới. Tối nay, dữ liệu về doanh số bán lẻ Mỹ sẽ cho thấy bức tranh rõ hơn rằng liệu nhu cầu tiêu dùng đã thực sự hạ nhiệt khi lãi suất liên tục tăng cao hay chưa. Trong trường hợp doanh số bán lẻ tiếp tục tăng trưởng ổn định, có thể sẽ là yếu tố tạo thêm không gian cho Fed mạnh tay thắt chặt tiền tệ hơn và giá đồng nhiều khả năng sẽ chịu áp lực.

Tuy nhiên, triển vọng tiêu thụ dần phục hồi tại thị trường khổng lồ Trung Quốc vẫn sẽ là yếu tố cản trở đà giảm sâu của giá đồng trong các phiên sắp tới. Việc thắt chặt các biện pháp phong toả do dịch bệnh Covid-19 trước thềm diễn ra Đại hội Đảng Trung Quốc vào tháng 10 đang cho thấy kết quả tương đối khả quan. Số ca nhiễm liên tục ở dưới mức 1,000 ca/ngày. Nhiều khu vực tại đô thị Thành Đô đã bắt đầu mở cửa trở lại hoặc được nới lỏng. Bên cạnh đó, mới đây, Chính phủ Trung Quốc tiếp tục công bố khoản hỗ trợ 200 tỷ nhân dân tệ (28.7 tỷ USD) tiền đặc biệt cho các Ngân hàng thương mại để thúc đẩy các khoản vay cho các doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ. Những nỗ lực thúc đẩy phục hồi kinh tế trong giai đoạn cuối năm tại quốc gia này sẽ là tín hiệu tích cực đối với thị trường đồng.

 

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

 

Nguồn: Mxv