Giá đậu tương mở cửa phiên giao dịch sáng nay đang hồi phục nhẹ trở lại. Xu hướng giằng co vẫn đang bao trùm lên thị trường và giá tiếp tục duy trì trong khoảng đi ngang 1480 – 1530. Trong phiên hôm nay, biến động giá có thể sẽ mạnh mẽ hơn khi Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA) phát hành báo cáo Cung – cầu tháng 4 vào 23h.  

Đối với Mỹ, do mùa vụ đậu tương còn chưa bắt đầu gieo trồng nên số liệu quan trọng nhất tối nay là dự báo tồn kho cuối niên vụ 22/23. Trong báo cáo Grain Stocks, USDA ước tính tồn kho đậu tương của Mỹ tính đến ngày 01/03 là 1.69 tỷ giạ, thấp hơn so với kỳ vọng của thị trường do xuất khẩu được đẩy mạnh trong giai đoạn đầu năm. Tốn kho cuối niên vụ được dự báo ở mức 210 triệu giạ trong báo cáo WASDE tháng 3, mức thấp nhất trong 7 năm qua. Nhu cầu đậu tương vẫn có cơ sở để tăng trong nửa cuối niên vụ 22/23, khi nhu cầu của Trung Quốc cải thiện sau khi mở cửa. Kịch bản nguồn cung khan hiếm đang được thị trường dự đoán trong báo cáo tối nay với khả năng USDA sẽ điều chỉnh giảm số liệu tồn kho đậu tương Mỹ 22/23. Với tốc độ xuất khẩu tăng nhanh trong giai đoạn gần đây, chúng tôi cho rằng đây là con số khá hợp lí và sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá đậu tương.

Xét tới nguồn cung tại Nam Mỹ, mặc dù gần đây các hãng tin và tổ chức lớn đang liên tục có những đánh giá tích cực hơn về sản lượng của Brazil nhưng với độ trễ của các số liệu từ USDA, khả năng con số này được nâng lên sẽ hạn chế. Trong khi đó, dự đoán cho số liệu ước tính sản lượng đậu tương của Argentina vẫn sẽ tiếp tục bị cắt giảm từ 33 triệu tấn trong báo cáo tháng 3 xuống còn 29 triệu tấn do ảnh hưởng của hạn hán. Nếu xác nhận, đây sẽ là vụ đậu tương nhỏ nhất của nước này trong vòng 22 năm qua. Mặc dù thiệt hại đối với cây trồng có thể sẽ không tiếp tục trở nên nghiêm trọng hơn trong giai đoạn thu hoạch sắp tới nhưng đây vẫn là yếu tố hỗ trợ cho giá đậu tương.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

 

 

Nguồn: Mxv