Lực bán hoàn toàn áp đảo trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới trong tuần giao dịch vừa qua. Mặc dù liên tục phục hồi trong 2 ngày cuối tuần, tuy nhiên, đà giảm rất mạnh ghi nhận trong 3 ngày đầu tuần đã kéo chỉ số MXV-Index chốt tuần sụt giảm 3,12% xuống mức 2.114 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở suy yếu nhẹ, đạt mức trên 4.600 tỷ đồng mỗi ngày.
Với toàn bộ 5 ngày đóng cửa trong sắc đỏ, giá bạc kỳ hạn tháng 3 trên Sở COMEX đánh dấu chuỗi giảm dài nhất kể từ tháng 9, đồng thời là mặt hàng ghi nhận mức giảm mạnh nhất toàn thị trường, khi lao dốc gần 10%, xuống còn 23,28 USD/ounce. MXV cho biết, kỳ vọng việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm nới lỏng chính sách tiền tệ, kết hợp với đồng USD tăng mạnh trong tuần đã thúc đẩy lực bán đối với bạc, kéo theo mức sụt giảm sâu của giá.
Trong một diễn biến đáng chú ý khác, trên thị trường năng lượng, toàn bộ 5 trên 5 mặt hàng đồng loạt chịu sức ép bán rất mạnh. Trong đó, giá khí tự nhiên rơi sâu hơn 8% xuống vùng thấp nhất kể từ giữa tháng 8. Theo dữ liệu từ Cơ quan Quản lý Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho khí đốt tự nhiên của 48 bang tại Mỹ ở mức hơn 3,8 nghìn tỷ feet khối trong tuần vừa qua, cao hơn 8,6% so với mức trung bình 5 năm. Nhu cầu yếu hơn tại Châu Á cũng thúc đẩy lực bán trong tuần qua, kéo giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) giao ngay tới Đông Bắc Á giảm 0,2 USD xuống 15,5 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh vào tuần trước.
Trong khi đó, giá dầu cũng tiếp tục lao dốc, có thời điểm chạm mức thấp nhất gần 6 tháng qua. Cụ thể, giá dầu WTI giảm 3,83% xuống 71,23 USD/thùng. Dầu Brent xuống 75,84 USD/thùng sau khi giảm 3,85%.
Như vậy, dầu thô đã ghi nhận tuần giảm giá thứ bảy liên tiếp, chuỗi giảm theo tuần dài nhất kể từ tháng 10/2018. Theo MXV, bức tranh nhu cầu suy yếu tại các nước tiêu thụ lớn, trong khi nguồn cung vẫn đảm bảo, đã gây áp lực lên giá dầu.
Cụ thể, tại Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, nhập khẩu dầu trong tháng 11 giảm 13,3% so với tháng trước và giảm 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt khoảng 10,33 triệu thùng/ngày, đánh dấu tốc độ giảm theo năm lớn nhất kể từ tháng 4 do tồn kho cao, các chỉ số kinh tế yếu và đơn đặt hàng chậm lại từ các nhà máy lọc dầu độc lập.
MXV nhận định, tâm điểm của thị trường trong tuần này xoay quanh các cuộc họp quyết định lãi suất của các Ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới, dự kiến sẽ khiến giá các mặt hàng nhóm năng lượng và kim loại biến động mạnh. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ có cuộc họp cuối cùng của năm 2023 vào 2h00 rạng sáng ngày 14/12, không chỉ đưa ra quyết định lãi suất, mà còn dự báo tình hình lạm phát, lãi suất và tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm tới. Do đó, cuộc họp lần này sẽ tác động mạnh tới đồng USD và triển vọng giá cả hàng hoá, đặc biệt là các mặt hàng nhạy cảm với bối cảnh vĩ mô như dầu thô, kim loại quý bạc, bạch kim, hay kim loại cơ bản đồng, quặng sắt.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Nguồn: Mxv