Theo báo cáo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), tiêu thụ thép các loại đạt 2,1 triệu tấn, tương đương tháng trước và tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này đạt được nhờ mảng xuất khẩu tiếp tục khởi sắc trong khi tiêu thụ nội địa giảm.
Cụ thể, tiêu thụ nội địa đạt 1,4 triệu tấn, giảm 3,6% so với tháng trước và giảm 7% so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại, xuất khẩu tăng 5,6% so với tháng trước và tăng 55% so với cùng kỳ năm trước đạt 658,207 tấn. Trong đó, xuất khẩu thép cuộn cán nóng (HRC) tăng 96% đạt 123.170 tấn, tôn mạ tăng 72% đạt 386.259 tấn, thép cán nguội tăng 72% đạt 59.589 tấn, thép xây dựng tăng 16% đạt 153.672 tấn.
Như vậy, sau khi đạt đỉnh vào tháng 3 thì tiêu thụ thép nội địa suy giảm dần trong khi xuất khẩu hết sức khả quan, xuất khẩu thép tháng 7 đã vượt qua mức cao thiết lập trong tháng 3.

thep-thang7-1-9904-1629798565.png

  Đơn vị: triệu tấn

VSA lý giải sản lượng bán hàng thép tháng 7 tăng so với cùng kỳ năm trước nhờ sản lượng xuất khẩu thép tăng cao trong bối cảnh nhu cầu trong nước thấp khi các tỉnh thành phố phía Nam, Hà Nội, TP HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính Phủ. Dự kiến tình hình nửa cuối năm sẽ khó khăn khi dịch bùng phát mạnh ở TP HCM và các tỉnh phía Nam.
Lũy kế 7 tháng, tiêu thụ thép các loại đạt 16,1 triệu tấn, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm trước. Riêng xuất khẩu đạt hơn 4 triệu tấn, tăng 79%.
Giá các loại nguyên vật liệu sản xuất thép có xu hướng ổn định trong tháng 7 theo đà chững lại của giá nguyên liệu thị trường khu vực và thế giới. Theo đó, giá bán thép trong nước ở mức bình quân khoảng 16.200-16.500 đồng/kg tùy thuộc từng chủng loại sản phẩm và từng doanh nghiệp cụ thể.

thep-thang7-9680-1629798565.png

VSA cho rằng các thị trường thép lớn như Mỹ, EU, Ấn Độ và Trung Quốc trong tháng 7 tương đối ổn định so với đầu năm với 6 tháng đầu năm, nhưng nhìn chung có rất nhiều động lực để hỗ trợ tăng giá trong những tháng cuối năm. Trong khi thị trường thép Mỹ vẫn tăng giá thì EU suy yếu do yếu tố thời tiết (lũ lụt và mùa hè). Thị trường Trung Quốc có thể đi ngang khi các biện pháp thắt chặt lĩnh vực bất động sản có thể ảnh hưởng đến nhu cầu nửa cuối năm và hành động cắt giảm sản lượng thép bắt đầu từ cuối tháng 7.
Trung Quốc cũng đang cân nhắc áp thêm thuế đối với hoạt động xuất khẩu thép với mức thuế dự kiến 10-25% và danh mục sản phẩm bị áp thuế bao gồm cả HRC, dự kiến triển khai trong quý III. Vào tháng 4, quốc gia này đã hủy bỏ hoàn thuế VAT (13%) với nhiều mặt hàng thép xuất khẩu, trong khi hạ thuế nhập khẩu về 0% nhằm điều tiết nguồn cung và tăng cường nguồn cung đầu vào cho hoạt động sản xuất thép nội địa.
Hoa Sen và Nam Kim tăng cường xuất khẩu, Hòa Phát cung ứng cho công trình đầu tư công
Trong bối cảnh thị trường trong nước trầm lắng do ảnh hưởng của dịch bệnh và yếu tố mùa vụ, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh xuất khẩu để bù đắp lại.
Lũy kế 7 tháng, Hoa Sen (HoSE: HSG) xuất khẩu 737.392 tấn tôn mạ, chiếm 67% tổng sản lượng bán ra. Nam Kim (HoSE: NKG) xuất khẩu 366.547 tấn, chiếm 73% tổng sản lượng tôn mạ bán ra.
Tỷ trọng xuất khẩu đã được cả Hoa Sen và Nam Kim nâng cao rất nhiều trong năm nay. Với Hoa Sen, kênh xuất khẩu trước đây chỉ chiếm khoảng 34-37% cơ cấu sản lượng tiêu thụ thành phẩm, niên độ 2019-2020 tăng lên 43%. Với Nam Kim thì xuất khẩu đóng góp khoảng 40% cơ cấu doanh thu giai đoạn 2019-2020, nửa đầu năm nay nâng lên 57%.
SSI Research đánh giá kênh xuất khẩu có thể giúp 2 doanh nghiệp trên duy trì hoạt động hết công suất trong thời gian tới bất chấp tác động tiêu cực kéo dài của dịch Covid-19 đối với nhu cầu trong nước. Cả Hoa Sen và Nam Kim đều đã có đơn hàng xuất khẩu để hoạt động hết công suất đến hết tháng 11.
Đối với Nam Kim, xuất khẩu dự kiến chiếm 80% tổng sản lượng trong nửa cuối năm 2021, trong khi Hoa Sen là hơn 70% tổng sản lượng. Động lực chính của sản lượng xuất khẩu là thị trường Mỹ và châu Âu, có tỷ suất lợi nhuận cao hơn so với các thị trường khác. Điều này là do giá thép cao hơn khoảng 30% -70% so với các thị trường khác, bù đắp thuế nhập khẩu và chi phí vận chuyển. Hoa Sen dự kiến tỷ trọng từ thị trường Mỹ và châu Âu sẽ tăng từ 20 - 30% lên hơn 50%, trong khi Nam Kim dự kiến 80% sản lượng xuất khẩu đến từ các thị trường này trong thời gian tới. Do đó, tỷ suất lợi nhuận gộp tổng thể dự kiến sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong 1-2 quý tới, SSI Reserch nhận định.
Thị trường nội địa chính của Hoa Sen và Nam Kim là miền Nam nên bị ảnh hưởng đáng kể bởi dịch bệnh. Trong tháng 7, Hoa Sen bán 157.845 tấn tôn mạ, tăng 1,7% so với tháng 6; xuất khẩu tăng 20,6% lên 123.088 tấn. Nam Kim bán 75.483 tấn, giảm 15,6%; xuất khẩu giảm nhẹ 2,5% xuống 61.950 tấn tôn mạ.
Với Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) thị trường chính vẫn là miền Bắc chiếm 50% tổng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng 7 tháng đầu năm, miền Nam 15,1%, miền Trung 14,9% và xuất khẩu đóng góp hơn 20%.

thep-thang7-29-5024-1629799563.png

Đơn vị: %
Trong tháng 7, bất chấp diễn biến dịch bệnh, sản lượng thép xây dựng của đơn vị có phục hồi sau 3 tháng giảm liên tiếp với 363.000 tấn, tăng 58% so với tháng 6 và 21% so với cùng kỳ năm trước. Đơn vị lý giải là nhờ các công trình đầu tư công trọng điểm như cầu đường, bệnh viện, sân bay vẫn tiếp tục được thi công. Hoạt động bán hàng ở khu vực phía Bắc tăng 100%, miền Nam tăng 55% và miền Trung tăng 34% và xuất khẩu tăng 8% so với tháng trước.
Tập đoàn cho biết các công trình đầu tư công sử dụng thép Hòa Phát để thi công như cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 (Hà Nội) khởi công từ tháng 1, các hạng mục thành phần trên tuyến cao tốc Bắc – Nam, cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang – Vĩnh Long), dự án cải tạo, nâng cấp Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, dự án Bệnh viện K cơ sở 2 (Hà Nội), Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận, Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn và Củ Chi (TP HCM) …
SSI Research đánh giá mặc dù sự bùng phát dịch Covid-19 có thể gây áp lực lên sản lượng và giá bán bình quân trong ngắn hạn, lợi nhuận nửa cuối năm của Hòa Phát vẫn khả quan nhờ nhờ nhu cầu HRC tăng, do xuất khẩu thép dẹt thành phẩm (tôn mạ và ống thép) của Việt Nam được kỳ vọng sẽ duy trì tăng trưởng mạnh trong 2 quý sắp tới.
7 tháng đầu năm, doanh nghiệp đã bán ra 1,5 triệu tấn HRC, tiêu thụ trong nước và chưa thực hiện xuất khẩu. Sản phẩm tôn mạ ghi nhận mức tăng trưởng tốt khi đạt 188.000 tấn, gấp 2,7 lần so với 7 tháng đầu năm 2020; xuất khẩu chiếm 55%.

Nguồn: ndh.vn