Trong tháng 1, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 3.2% so với tháng 12/2020 nhưng tăng 22.2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 27.2%. Nhìn chung, giá thép toàn cầu có giảm nhẹ trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nhưng đã tăng trở lại ngay sau đó, bao gồm một số loại nguyên liệu và thép bán thành phẩm như phôi thép, thép phế liệu, HRC… Giá bán thép trong nước tuần đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Âm lịch ở mức bình quân 14,500 – 15,100 đồng/kg tùy sản phẩm và từng doanh nghiệp cụ thể, theo thống kê của Hiệp hội thép Việt Nam (VSA).

Cũng theo VSA, sản xuất thép các loại đạt hơn 2.65 triệu tấn, tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Bán hành thép các loại đạt hơn 2.11 triệu tấn, tăng 55% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu thép các loại đạt hơn 457,000 tấn, tăng trưởng 61%. Trong đó, sản xuất thép thô đạt hơn 1.7 triệu tấn, tăng 1.7% so với tháng 12/2020 và tăng 50.2% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng thép xây dựng bán ra trong tháng 01 tăng hơn 10.6% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó xuất khẩu tăng 28% và tiêu thụ nội địa tăng hơn 7%.

Đối với nguyên liệu đầu vào, ngày 18/02, giá quặng sắt giao dịch ở mức 171.95 – 172.45 USD/tấn, tăng 5-6 USD/tấn so với đầu tháng 01. Giá than mỡ luyện cốc, xuất khẩu tại cảng Australia (FOB) đạt 139.5 USD/tấn, tăng mạnh so với thời gian trên. Trong khi giá thép phế liệu HMS ½ 80:20 nhập khẩu cảng Đông Á đạt 440 USD/tấn, giảm 35 USD/tấn, giá thép phế chào bán ở các thị trường Mỹ có xu hướng tăng nhẹ, châu Âu và Đông Nam Á có chiều hướng đi ngang. Giá phôi thép nhập khẩu ở mức 570 – 577 USD/tấn CFR Đông Á, giảm khoảng 18 – 20 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 01.

Nguồn: mxvnews.com