Giá ngô
 Diễn biến giá ngô giao tháng 12/2021 trên sàn CBOT trong 6 tháng gần đây (Đồ hoạ: barchart.com)

Chốt phiên giao dịch ngày 27/10 (theo giờ địa phương), giá ngô giao tháng 12/2021 trên Sàn giao dịch hàng hoá Chicago (CBOT) tăng 13,75 cents lên 5,57 USD/giạ (25,4 kg/giạ ngô).

Giá đậu tương giao tháng 11/2021 tăng nhẹ 1,50 cents lên 12,39 USD/giạ (27,2 kg/giạ đậu tương). Giá lúa mì giao tháng 12/2021 tăng 7,75 cents lên 7,59 USD/giạ (27,2 kg/giạ lúa mì).

Dữ liệu mới nhất cho thấy, Trung Quốc đã nhập khẩu tới 3,53 triệu tấn ngô trong tháng 9 vừa qua, tăng tới 226,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 9 tháng đầu năm nay, lượng ngô được Trung Quốc nhập khẩu tăng đột biến 274,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tạp chí công thương cho biết dựa vào xu hướng nhập khẩu trong năm 2020 và xu hướng của 5 năm gần đây thì Trung Quốc sẽ tiếp tục nhập khẩu mạnh ngô trong quý 4 này, đặc biệt khối lượng có thể tăng vượt trội trong tháng 11 và tháng 12 tới đây.

Nhập khẩu ngô
 Diễn biến nhập khẩu ngô của Trung Quốc qua các tháng và diễn biến giá ngô trên Sàn giao dịch hàng hoá Đại Liên (DCE, Trung Quốc)

Trên thị trường nội địa Trung Quốc, nhu cầu sử dụng ngô đã bắt đầu tăng trở lại khi giá ngô trong tháng 9 vừa qua hạ nhiệt, xuống mức thấp nhất kể từ hồi tháng 10/2020. Các hãng sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc đã bắt đầu tăng tỷ trọng ngô trong nguyên liệu đầu vào. Trước đó, việc giá ngô tăng cao lịch sử đã buộc các hãng sản xuất thức ăn chăn nuôi lẫn nông dân tăng cường sử dụng lúa mì thay cho ngô.

Đồng thời, quy mô đàn lợn tại Trung Quốc hiện đã gần như phục hồi hoàn toàn sau đợt dịch tả lợn Châu Phi (ASF) hồi năm 2018 cũng khiến nhu cầu sử dụng thức ăn gia súc nói chung và nhu cầu sử dụng ngô tăng lên.

Mặt khác, tình trạng mưa lớn trong những tháng vừa qua tại một số khu vực đã ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển, tiến độ thu hoạch cũng như chất lượng ngô tại khu vực phía Đông Bắc Trung Quốc. Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã điều chỉnh giảm mạnh dự báo sản lượng ngô niên vụ 2021/2022 của nước này xuống còn 270,96 triệu tấn. Độ ẩm tăng cao khiến việc dự trữ ngô đối mặt rủi ro ẩm mốc; trong khi đó, hoạt động sấy ngô gặp nhiều khó khăn do tình trạng thiếu điện diện rộng. Khu vực Đông Bắc Trung Quốc là nơi chịu tình trạng thiếu điện nghiêm trọng nhất.

Ngoài ra, hoạt động vận chuyển ngô giữa các khu vực tại Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn do lượng lớn xe tải được huy động để vận chuyển than nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt điện tại nước này.

Xuất khẩu ngô
 Lượng ngô niên vụ 2021/2022 xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Trung Quốc trong các tuần gần đây

Các thách thức từ vấn đề thời tiết, hoạt động hậu cần và năng lượng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy Trung Quốc tăng cường nhập khẩu ngô trong thời gian tới. Dự kiến Trung Quốc sẽ tăng cường nhập khẩu ngô chủ yếu từ hai bạn hàng chính là Hoa Kỳ và Ukraine. Nếu Trung Quốc gia tăng nhập khẩu ngô từ Hoa Kỳ thì sẽ giúp nước này đáp ứng tốt hơn các điều khoản trong thoả thuận thương mại giai đoạn 1 Hoa Kỳ - Trung Quốc vốn đang bị phía Hoa Kỳ gây sức ép buộc Trung Quốc phải tuân thủ tốt hơn.

Tuy nhiên, kể từ tháng 5/2021 đến nay, Hoa Kỳ chưa ghi nhận bất kỳ đơn hàng nhập khẩu ngô lớn nào từ phía Trung Quốc, chỉ có các đơn hàng nhỏ lẻ, do đó giá ngô tại Hoa Kỳ không có mức tăng đột biến. Diễn biến giá ngô tại Hoa Kỳ đang phụ thuộc lớn vào nhu cầu sử dụng ngô để sản xuất nhiên liệu sinh học ethanol trong bối cảnh các động thái thu mua ngô của Trung Quốc còn khá mờ nhạt. 

Việc giá dầu thô tăng cao đang giúp cải thiện biên lợi nhuận của hoạt động sản xuất nhiên liệu sinh học, qua đó kích thích nhu cầu sử dụng ngô tăng lên để sản xuất ethanol. Sản lượng ethanol tại Hoa Kỳ đã tiếp tục tăng trong 4 tuần gần đây và đạt mức tương đương như trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Nguồn: tapchicongthuong