Nhu cầu tiêu thụ mờ nhạt khiến đồng nối tiếp đà giảm trong phiên giao dịch sáng 25/04. Trong ngắn hạn, dự báo giá có thể tiếp tục duy trì xu hướng giảm trong bối cảnh lo ngại suy thoái kinh tế và căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc khiến triển vọng tiêu thụ suy yếu.
Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý I của Mỹ được dự báo ở mức 2.0%, giảm so với mức tăng 2.6% đạt được vào quý IV/2022, phản ánh sự suy yếu của nền kinh tế hàng đầu thế giới. Hơn nữa, bức tranh kinh tế thế giới càng trở nên ảm đạm hơn khi hàng loạt Ngân hàng trung ương lớn đều dự kiến tăng lãi suất vào đầu tháng 5 tới đây.
Do đó, với áp lực lãi suất tăng cao, tăng trưởng kinh tế các nước phương Tây có thể bị kìm hãm và làm giảm nhu cầu tiêu thụ kim loại công nghiệp hàng đầu là đồng, gây sức ép lên giá.
Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến chủ quyền đảo Đài Loan ngày càng làm gia tăng lo ngại về nguy cơ kinh tế tăng trưởng chậm lại. Tình trạng bán tháo cổ phiếu Trung Quốc đang ngày càng sâu sắc, chỉ số MSCI China Index đã mất tới 2% vào thứ Ba, hướng tới ngày giảm thứ sáu, đây là chuỗi giảm dài nhất kể từ tháng 10/2022, theo Bloomberg.
Do vậy, căng thẳng địa chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ có thể trở thành rào cản kìm hãm đà tăng trưởng của Trung Quốc, theo đó, hoạt động kinh tế suy yếu có thể làm giảm triển vọng tiêu thụ đồng trong ngắn hạn.
Hơn nữa, trong cuộc họp tháng 4 của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản sắp tới, cơ quan ra quyết định hàng đầu của Trung Quốc, dự kiến sẽ chuyển trọng tâm chính sách sang thúc đẩy niềm tin kinh doanh và tăng việc làm, mà không tăng thêm các biện pháp kích thích kinh tế.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Nguồn: Mxv