Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần, nhóm đậu tương đang đồng loạt hồi phục trở lại do đồng Dollar suy yếu. Bối cảnh nguồn cung đậu tương đang dần chuyển dịch sang tác động “bearish” khi yếu tố hỗ trợ mạnh nhất cho giá là hạn hán ở Argentina được dự báo sẽ cải thiện trong nửa cuối tháng 3. Ngoài ra, trong thời gian tới, mối quan tâm của thị trường cũng sẽ dần hướng về hoạt động gieo trồng tại Mỹ.

Tương tự như tình hình mùa vụ trong những năm trước, chất lượng đậu tương ở Argentina hiện đang được đánh giá ở mức thấp nhất cả niên vụ nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc con số này khả năng sẽ cải thiện trong thời gian tới. Theo dự báo thời tiết, ngoài khung 10 ngày tới, lượng mưa rất lớn sẽ quay trở lại và bổ sung độ ẩm cần thiết cho các khu vực sản xuất nông nghiệp chính. Điều này sẽ là tín hiệu tích cực đối với đậu tương trồng muộn và có khả năng nếu như tình hình khả quan thì số liệu dự báo của USDA trong báo cáo Cung – cầu tháng 3 mới đây đã bị điều chỉnh giảm quá mức so với thực tế. Không những mùa vụ tại Argentina, công ty tư vấn Safras&Mercado mới đây đã nâng dự báo xuất khẩu đậu tương trong năm 2023 của Brazil lên mức 94 triệu tấn, tăng 1 triệu tấn so với ước tính hồi tháng 01, đồng thời cũng cao hơn 19% so với năm 2022. Triển vọng nguồn cung ở Nam Mỹ nới lỏng hơn sẽ là yếu tố khiến cho giá khó có thể tăng mạnh trong giai đoạn tới. 

Không những bối cảnh các thông tin cơ bản mà biến động mạnh mẽ của các thị trường tài chính cũng góp phần tác động ngắn hạn tới giá các loại nông sản. Thông tin ngân hàng SVB của Mỹ sụp đổ đã gây ra không ít lo ngại về hệ thống tài chính toàn cầu. Mặc dù việc đồng USD giảm mạnh sẽ hỗ trợ cho giá đậu tương CBOT trong ngắn hạn nhưng điều này có thể sẽ ảnh hưởng tới chuỗi sản xuất nếu  tác động từ thông tin trên không chỉ dừng lại trong ngành ngân hàng mà kéo theo nền kinh tế đi xuống và lại trở thành yếu tố “bearish” tiềm ẩn với giá.  

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Nguồn: Mxv