Kết thúc phiên giao dịch 26/4, các mặt hàng nông sản được giao dịch tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam đồng loạt tăng điểm.

Giá ngô tăng mạnh 3.95%, kết phiên lên mức 657.50 cents/giạ, đánh dấu phiên tăng trần thứ hai trong những ngày gần đây. Thong tin chính phủ Argentina đang xem xét khả năng áp dụng các chính sách hạn chế xuất khẩu ngũ cốc mới đã tiếp thêm động lực cho đà tăng vốn có của thị trường. Trong khi đó, số liệu trong báo cáo Export Inspections cho thấy, giao hàng ngô trong tuần kết thúc ngày 22/04/2021 đạt hơn 1.9 triệu tấn, cao hơn so với mức 1.7 triệu tấn giới hạn trên theo kỳ vọng của thị trường. Ở chiều ngược lại, dự báo thời tiết trong những ngày tới tại các khu vực gieo trồng tại Argentina sẽ hoàn toàn khô ráo, tạo điều kiện cho hoạt động thu hoạch ngô của nông dân tại đây và là yếu tố hạn chế đà tăng của giá.

Giá đậu tương tăng 1.53% lên mức 1539.25 cents/giạ, đánh dấu chuỗi phiên tăng điểm 10 ngày liên tiếp. Yếu tố chính giúp lý giải cho đà tăng của giá tiếp tục là kỳ vọng về nhu cầu ổn định ở mức cao, trong khi nguồn cung ngày càng bị thắt chặt với những lo ngại về điều kiện thời tiết. Bên cạnh đó, đà tăng mạnh của giá dầu đậu tương cũng đã phần nào hỗ trợ cho đà tăng của giá đậu tương.

Giá khô đậu tương tăng 1.34% lên mức 431.5 USD/tấn Mỹ, trong khi giá dầu đậu tương tăng 3.59% lên 60.89 cents/pound. Trong phiên hôm qua, giá dầu thô và giá dầu cọ đồng loạt giảm trong bối cảnh thị trường lo ngại về sự cắt giảm nhu cầu tiêu thụ tại Ấn Độ và Nhật Bản do diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19 tại hai quốc gia này. Dầu đậu tương, mở đầu phiên, cũng giảm cùng với đà giảm của giá dầu cọ và dầu thô, nhưng đã bật tăng trở lại khi thị trường chuyển sự tập trung vào việc khan hiếm nguồn cung.

Lúa mỳ tăng 3.83% lên mức 739.50 cent/giạ và có mức tăng mạnh thứ hai trong nhóm nông sản, chỉ sau ngô. Một yếu tố giúp lý giải cho đà tăng của giá lúa mỳ đó là đà tăng mạnh của giá ngô, do lúa mỳ có thể trở thành sản phẩm thay thế hấp dẫn cho ngô trong sản xuất TĂCN khi giá ngô ở mức cao. Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết khô hạn tại Mỹ và nguồn cung đang ngày càng trở nên cạn kiệt tiếp tục tục là các yếu tố nâng mức nền của giá. Còn tại Nga, tiến độ gieo trồng lúa mỳ vụ xuân đang chậm hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái do khí hậu lạnh và lượng tuyết tồn đọng tại các khu vực gieo trồng chính. Lúa mỳ vụ xuân chiếm khoảng 25% tổng sản lượng lúa mỳ của Nga, do đó, thông tin này cũng đã góp phần giúp lý giải cho đà tăng của giá.

Nguồn: mxvnews.com