Đóng cửa phiên giao dịch 22/02, sắc xanh áp đảo bảng giá các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu trên sàn CBOT. Cụ thể:

Giá ngô tăng 1.5% lên mức 551.00 cents/giạ. Trong ngày hôm qua, việc thiếu đi đơn hàng ngô mới từ Trung Quốc như kỳ vọng của thị trường đã khiến cho giá chưa thể tăng mạnh và vượt ra khỏi vùng giá này. Bên cạnh đó, số liệu trong báo cáo Export Inspections cho thấy, giao hàng ngô của Mỹ giảm nhẹ so với tuần trước. Tại Nam Phi, Uỷ ban Dự tính Nông nghiệp Nam Phi (CEC) vừa tăng dự báo sản lượng ngô niên vụ 2020/21 thêm 10% so với báo cáo. Các yếu tố trên đã góp phần tạo sức ép lên hướng giá, tuy nhiên, với sự hỗ trợ của các thông tin bullish trong trung hạn, giá ngô chưa thể phá vỡ được mức hỗ trợ 545. Cụ thể, tiến độ gieo trồng ngô vụ 2 tại Brazil đang chậm hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái do trì hoãn thu hoạch đậu tương đã là thông tin “bullish” hỗ trợ giá trong phiên hôm qua.

Giá đậu tương tăng nhẹ 0.5% lên mức 1,383.75 cents/giạ. Tại Argentina, ép dầu đậu tương trong tháng 1 đạt mức cao nhất trong 5 tháng sau khi tạm dừng hoạt động do các cuộc đình công vào cuối năm ngoái. Hiện tại, hoạt động tại các nhà máy ép dầu tại Argentina đang được phục hồi nhằm giải quyết các đơn hàng tồn đọng do cuộc đình công kéo dài. Điều này đồng nghĩa với việc nhu cầu tiêu thụ đậu tương có khả năng sẽ còn tăng trong thời gian tới và là yếu tố hỗ trợ giá. Bên cạnh đó, việc trì hoãn thu hoạch đậu tương tại Brazil tiếp tục khiến các nước nhập khẩu quay sang nhập khẩu đậu tương của Mỹ, đây cũng là yếu tố hỗ trợ giá đậu tương trong trung hạn. Ở chiều ngược lại, USDA báo cáo giao hàng đậu tương trong tuần kết thúc ngày 28/02 tiếp tục giảm so với tuần trước đã là thông tin “bearish” tạo áp lực lên giá. Ở một khía cạnh khác, sự suy yếu của đồng reals so với đồng Dollar cũng đã góp phần tạo áp lực lên giá đậu tương. Hiện tại, sự kết hợp của các yếu tố cơ bản là chưa đủ mạnh để giúp giá đậu tương phá vỡ mức kháng cự 1385. 

Giá khô đậu tương giảm 0.3% xuống 423.1 USD/tấn Mỹ, trái chiều với mức tăng 0.7% của giá dầu đậu tương, lên 47.90 cent/pound.

Lúa mỳ kì hạn tháng 3 tăng 2.04% lên mức 664.00 cents/giạ, và là mức biến động mạnh nhất trong nhóm nông sản. Mặc dù thời tiết tại Mỹ đã ấm hơn so với tuần trước, tuy nhiên lo ngại về chất lượng của cây lúa mỳ tại vùng đồng bằng phía nam tiếp tục hỗ trợ đà tăng của giá. Thêm vào đó, các chính sách thuế xuất khẩu của Nga đang khiến các nước nhập khẩu tìm kiếm nguồn cung từ các nước khác, trong đó có Mỹ. Ở chiều ngược lại, Bộ Nông nghiệp Argentina vừa tăng dự báo sản lượng lúa mỳ niên vụ 2020/21 so với báo cáo trước, trong khi dự báo thời tiết tại Mỹ sẽ ấm hơn trong thời gian tới xóa đi lo ngại về hoạt động xuất khẩu tại vịnh Mexico.

Nguồn: mxvnews.com