• NÔNG SẢN

Sắc đỏ phủ kín bảng giá các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu trên sàn CBOT ngay trong phiên đầu tuần. Trong đó, đáng chú ý nhất là diễn biến của lúa mỳ, sau khi đã xóa đi toàn bộ mức tăng tích lũy được trong tuần trước.

Đậu tương đóng cửa giảm nhẹ 0.14% về mức 1587.50 cent/giạ, chấm dứt chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp trước đó. Đồng Real có phiên tăng thứ 4 liên tiếp trong bối cảnh đồng Dollar duy trì ở mức thấp nhất kể từ cuối tháng 2 đến nay, ảnh hưởng đến hoạt động bán hàng của nông dân. Hãng tư vấn Safras & Mercado cũng cho biết, bán hàng đậu tương niên vụ 21/22 tại Brazil ước tính mới chỉ đạt 16.7% sản lượng dự kiến, chỉ bằng một nửa so với mức 32% trong cùng kỳ niên vụ 20/21, và thấp hơn so với mức 25% trung bình 5 năm.

Dầu đậu tương và khô đậu tương diễn biến trái chiều trong phiên hôm qua. Dầu đậu tương giảm gần 1% về mức 63.84 cent/pound, theo đà giảm của giá dầu cọ Malaysia. Dự trữ dầu cọ của Malaysia phục hồi tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 4 lên 1.55 triệu tấn, tăng 7% và vượt qua mức dự kiến ​​1.4-1.5 triệu tấn.

Ngô đóng cửa giảm rất mạnh 2.8% về 711.75 cent/giạ do áp lực chốt lời cùng ảnh hưởng từ mức giảm mạnh của lúa mỳ, bất chấp tác động tích cực từ đơn hàng hơn 1 triệu tấn ngô của Mỹ bán cho Trung Quốc trong báo cáo Daily Export Sales.

Lúa mỳ là mặt hàng biến động mạnh nhất trong nhóm nông sản phiên hôm qua, với mức giảm lên đến hơn 4%, về mức 730.50 cent/giạ. Thời tiết tại vùng đồng bằng phía nam cũng như ở các vùng gieo trồng chính của châu Âu và khu vực biển Đen được dự báo sẽ khá thuận lợi trong tuần này, là yếu tố gây áp lực chính lên giá lúa mỳ trong phiên hôm qua.

  • CÔNG NGHIỆP

Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, các mặt hàng nguyên liệu công nghiệp đóng cửa với các mức tăng giảm trái chiều nhau.

Giá Arabica giảm mạnh 3.17% về 148.05 cent/pound, kéo theo mức giảm 1.36% của giá Robusta về 1518 USD/tấn. Trong báo cáo mới nhất của mình, Fitch Solutions cho biết, thâm hụt cà phê toàn cầu trong niên vụ 21/22 có thể đạt mức 6.8 triệu bao (loại 60kg), mức lớn nhất kể từ niên vụ 09/10 đến nay. Mặc dù vậy, áp lực chốt lời của giới đầu cơ sau khi giá Arabica đã tăng mạnh hơn 8% trong tuần trước là nguyên nhân chủ yếu khiến lực bán hoàn toàn áp đảo trong phiên hôm qua.

Giá đường thô đóng cửa không đổi ở mức 17.49 cent/pound, sau một phiên rung lắc mạnh với biên độ 0.25 cents. Trọng tâm của thị trường vẫn là thời tiết khô hạn ở vùng trung nam Brazil, khiến cho một số nhà sản xuất buộc phải mua lại các hợp đồng đã bán phòng vệ trước đó. Thị trường cũng đang có dấu hiệu giảm nhu cầu đối với cả đường thô và đường trắng, tuy nhiên giá chỉ sập khi các quỹ đầu cơ đồng loạt thoát vị thế mua đang nắm giữ, điều này sẽ khó xảy ra trong bối cảnh giá ngũ cốc toàn cầu vẫn trong xu hướng tăng mạnh.

Giá cacao tăng mạnh 2.07% lên mức 2514 USD/tấn phiên thứ 4 liên tiếp. Lượng mưa dưới mức trung bình và thời tiết nắng nóng vào cuối tuần trước ở hầu hết các vùng trồng cacao của Bờ Biển Ngà có thể làm giảm chất lượng và kích thước của cây trồng.

Giá bông giảm 1.33% về 88.47 cent/pound phiên thứ 2 liên tiếp khi thời tiết có mưa trở lại ở bang Texas, giúp giảm bớt lo ngại về khô hạn tại các khu vực trồng bông chính của Mỹ.

  • NĂNG LƯỢNG

Sau khi có nhiều biến động mạnh, dầu thô thế giới tăng nhẹ khi đóng cửa phiên ngày 10/05. Giá dầu thô WTI tăng 0.03% lên 64.92 USD/thùng trong khi giá dầu thô Brent tăng 0.06% lên 68.32 USD/thùng.

Yếu tố có tác động lớn nhất lên giá trong ngày hôm qua là sự kiện hệ thống đường ống Colonial Pipeline của Mỹ phải dừng hoạt động sau một cuộc tấn công mạng. Do đó, giá xăng RBOB đã gap up ở đầu phiên nhưng đóng cửa chỉ tăng nhẹ 0.31% lên 2.1334 USD/gallon. Biết được sự nghiêm trọng của vụ việc này, chính phủ Mỹ đang phối hợp với cơ quan điều hành hệ thống này để đảm bảo hoạt động sẽ sớm trở lại trong thời gian tới. Mạng lưới nhiên liệu Colonial cung cấp khoảng 2.5 triệu thùng xăng và các loại nhiên liệu khác mỗi ngày tới phía Đông Hoa Kỳ, tương đương khoảng 50% tổng nguồn cung nhiên liệu tới khu vực này.

Bên cạnh đó, việc tuân thủ thỏa thuận của OPEC+ cũng góp phần vào đà tăng của dầu thô. Trong tháng trước, con số này đạt 111%, chứng tỏ rằng các thành viên trong nhóm vẫn đang cố gắng để hỗ trợ thị trường dầu.

  • KIM LOẠI

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 10/05, các mặt hàng trong nhóm kim loại không có nhiều biến động mạnh, ngoại trừ quặng sắt.

Bạc tăng nhẹ 0.05% lên 27.492 USD/ounce trong khi bạch kim tăng 0.88% lên 1265.5 USD/ounce. Đồng USD duy trì ở mức thấp nhất kể từ đầu tháng 2 đến nay vẫn là yếu tố chính hỗ trợ cho giá các mặt hàng kim loại quý.

Đồng giảm 0.68% xuống 4.7160 USD/pound do áp lực chốt lời sau khi giá tăng lên mức cao nhất ghi nhận trong lịch sử. Trong khi đó giá quặng sắt tăng mạnh 8.4% lên 222.40 USD/tấn nhờ số liệu xuất khẩu của Brazil. Bộ Kinh tế Brazil cho biết nước này đã xuất khẩu 25.79 triệu tấn quặng sắt trong tháng 04/2021, tăng 7.5% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu xuất khẩu cũng tăng mạnh hơn 200% lên mức 3.55 tỷ USD. Giá xuất khẩu trong tháng trước tăng 92.01% lên 129.80 USD/tấn và điều này có thể thúc đẩy xuất khẩu trong thời gian tới.

Nguồn: mxvnews.com