Thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), lực bán chiếm ưu thế trên cả 4 nhóm hàng hóa nguyên liệu thế giới trong ngày giao dịch hôm qua (07/03). Đà giảm rất mạnh của nhiều mặt hàng quan trọng, đặc biệt là ở nhóm kim loại và năng lượng đã kéo chỉ số MXV- Index đóng cửa giảm 1,63% xuống 2.331 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở cũng ghi nhận sụt giảm, đạt mức trên 3.300 tỷ đồng.

Giá kim loại đồng loạt lao dốc

Thị trường kim loại ghi nhận một phiên lao dốc mạnh mẽ trước sức ép từ đồng bạc xanh và dữ liệu thương mại vẫn còn khá yếu của Trung Quốc. Kết thúc phiên giao dịch ngày 07/03, đối với nhóm kim loại quý, bạc và bạch kim đều có một phiên lao dốc mạnh với mức giảm hơn 4%, đóng cửa lần lượt tại mức giá 20,19 USD/ounce và 936,3 USD/ounce. 

Tâm điểm của thị trường trong ngày hôm qua hướng về những phát biểu của chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), ông Jerome Powell trong phiên điều trần với Uỷ ban Ngân hàng Thượng viện. Theo ông, những dữ liệu kinh tế mới nhất mạnh hơn dự kiến cho thấy mức lãi suất cuối cùng có thể sẽ cao hơn dự đoán. Nếu toàn bộ dữ liệu chỉ ra rằng cần phải thắt chặt tiền tệ nhanh hơn, thì Fed sẽ sẵn sàng đẩy mạnh tốc độ tăng lãi suất. Đây là bình luận đầu tiên của Powell kể từ khi lạm phát bất ngờ tăng vọt vào tháng 1 và đánh dấu sự thừa nhận rằng "quá trình giảm lạm phát" mà ông đã đề cập nhiều lần trong cuộc họp báo ngày 1/2 vẫn còn là nhiệm vụ đầy thách thức. 

Công cụ theo dõi lãi suất của CME Group cho thấy tỷ lệ cho rằng Fed tăng 50 điểm cơ bản trong cuộc họp ngày 21/3 sắp tới đã đạt 70%, tăng rất mạnh so với con số 31% trước thời điểm chủ tịch Fed phát biểu. Thị trường tài chính nói chung đã có một phiên “chao đảo” khi chỉ số Dollar Index tăng vọt 1,21% do các nhà đầu tư tăng cường nắm giữ đồng USD có tính thanh khoản cao, làm gia tăng sức mạnh của đồng bạc xanh. Vai trò trú ẩn của kim loại quý bị thất thế, và chi phí nắm giữ đắt đỏ hơn khiến giá bạc và bạch kim đồng loạt lao dốc hơn 4% trong phiên.  

Đối với nhóm kim loại cơ bản, quặng sắt là mặt hàng duy nhất giữ được sắc xanh, trong khi toàn bộ các mặt hàng còn lại đều kết phiên với mức giá giảm so với phiên trước đó. Giá đồng COMEX đã đánh mất 2,87% giá trị, chốt phiên ở mức 3,97 USD/pound. Áp lực bán xuất hiện ngay từ phiên sáng khi dữ liệu thương mại về xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc tiếp tục giảm trong hai tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt là giá trị nhập khẩu 2 tháng đầu năm giảm 10,2%, mạnh hơn dự báo giảm 5,5% từ các chuyên gia kinh tế. Điều này phản ánh đà phục hồi còn yếu và gây áp lực tới phần lớn các mặt hàng trong nhóm. 

Thêm vào đó, thống kê từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết nhập khẩu đồng chưa gia công trong hai tháng đầu năm 2023 đạt 879.000 tấn, đã giảm 9,3% so với một năm trước đó. Tồn kho tại quốc gia này vẫn ở mức cao, chưa bắt kịp sự gia tăng trong nhu cầu đã hạn chế sức mua, từ đó gây áp lực tới giá trong phiên. 

Trái ngược với phần lớn các mặt hàng trong nhóm, duy nhất quặng sắt giữ được sắc xanh khi ghi nhận đà tăng 2,14% lên mức 126,96 USD/tấn. Cũng theo báo cáo từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nước tiêu thụ quặng sắt lớn nhất thế giới này đã nhập khẩu 194 triệu tấn quặng sắt trong 2 tháng đầu năm, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái do người mua kỳ vọng nhu cầu thép trong nước tăng cao sau khi chính phủ dỡ bỏ các biện pháp ngăn chặn COVID-19. Điều đó khiến nhu cầu nguyên liệu thô cho sản xuất thép cải thiện và thúc đẩy lực mua quặng sắt trong phiên hôm qua. 

Giá dầu thô “bốc hơi” hơn 3%

Giá dầu thô lao dốc trong phiên 07/03, chấm dứt chuỗi tăng năm phiên liên tiếp, với giá dầu thô WTI giảm 3,58% về 77,58 USD/thùng, còn giá dầu thô Brent giảm 3,35% về 83,29 USD/thùng. 

Giá dầu mở cửa trong sắc xanh, tiếp nối đà tăng nhờ những lo ngại về nguồn cung của Nga và triển vọng tiêu thụ lạc quan của Trung Quốc. Tuy nhiên, bước sang phiên tối, giá giảm mạnh dưới sức ép từ cả các yếu tố vĩ mô và yếu tố cung cầu.  

Trong bài phát biểu tại cuộc họp với Quốc hội Mỹ, Chủ tịch cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết lãi suất có thể sẽ tăng cao hơn so với dự kiến của các nhà hoạch định chính sách, trong bối cảnh mà các số liệu kinh tế, đặc biệt là số liệu việc làm được công bố trong thời gian gần đây tốt hơn so với kỳ vọng.  

Động thái quyết liệt của Fed trong việc duy trì các chính sách tiền tệ thắt chặt khiến cho các nhà đầu tư rất lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế, kéo theo tâm lý bi quan hơn đối với triển vọng tiêu thụ của dầu thô. Bên cạnh đó, giá dầu cũng không nhận được quá nhiều sự hỗ trợ từ báo cáo Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn (STEO) của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) trong phiên hôm qua, nên cả hai mặt hàng dầu đều có mức giảm mạnh nhất trong vòng ba tháng.  

EIA dự báo tiêu thụ dầu toàn cầu tăng từ mức trung bình 99,4 triệu thùng/ngày vào năm 2022 lên 100,9 triệu thùng/ngày vào năm 2023, cao hơn 0,4 triệu thùng/ngày so với báo cáo tháng 02. Nhu cầu được thúc đẩy bởi tăng trưởng kinh tế toàn cầu, với mức tăng từ Trung Quốc có thể chiếm tới 50%. Về phía nguồn cung, EIA cho biết sản lượng dầu trên thế giới đạt trung bình khoảng 100 triệu thùng/ngày vào năm 2022 và dự báo tăng thêm trung bình 1,6 triệu thùng/ngày trong cả năm 2023 và 2024.  

Đáng chú ý, EIA nhấn mạnh về việc tồn kho dầu ổn định và có xu hướng tăng khi sản lượng tiếp tục vượt qua mức tiêu thụ. Điều này được thúc đẩy một phần bởi EIA nâng dự báo đối với sản lượng dầu của Nga so với báo cáo tháng trước, từ 9,9 triệu thùng lên 10,3 triệu thùng, do kỳ vọng Nga sẽ tìm được người mua ở các thị trường thay thế. Vì thế, các nhà phân tích của EIA cũng dự báo tồn kho dầu toàn cầu tăng sẽ góp phần làm giảm giá dầu thô giá bắt đầu từ quý III/2023. Giá dầu thô Brent giao ngay dự kiến sẽ giảm từ mức trung bình 84 USD/thùng trong quý II về 81 USD/thùng vào quý IV năm nay và sau đó đạt mức trung bình 78 USD/thùng vào năm 2024. 

Rạng sáng nay, Báo cáo thống kê độc lập của Viện Dầu khí Mỹ (API) trong tuần kết thúc ngày 03/03 cho biết tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ giảm 3,8 triệu thùng so với mức dự đoán tăng 0,4 triệu thùng của giới phân tích. Trái lại, tồn kho nhiên liệu chưng cất và xăng tăng lần lượt 1,8 triệu thùng và 1,9 triệu thùng, đều cao hơn so với ước tính trước đó. 

Số liệu của API nhiều khả năng sẽ bị lu mờ trước các tin tức vĩ mô và cung cầu trong tối qua, bên cạnh đó, tồn kho dầu thô giảm không quá mạnh trong khi tồn kho các sản phẩm lọc dầu tăng cũng không khiến cho thị trường lo ngại đủ để hạn chế sức bán.  

Thị trường khí tự nhiên tiếp tục biến động mạnh mẽ với  tăng 4,47%, sau khi giảm gần 15% trong phiên trước đó. Sức mua được thúc đẩy nhờ các dự báo cho thấy thời tiết lạnh hơn trong hai tuần tới so với dự kiến ​​​​trước đó, cùng với việc lưu lượng khí kỷ lục đến các nhà máy xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng, sau khi nhà máy của Freeport LNG ở Texas thoát khỏi tình trạng ngừng hoạt động. Đà tăng diễn ra bất chấp sự gia tăng sản lượng khí đốt từ đầu tháng đến nay và dự báo nhu cầu sẽ ít hơn trong tháng này. 

Giá gas nội địa giảm tháng thứ 2 từ đầu năm nay

Trên thị trường nội địa, từ ngày 01/03, giá gas bán lẻ toàn quốc được điều chỉnh giảm khoảng 16.000 đồng/bình 12kg và 67.000 đồng/bình 50kg. Theo đó, giá gas bán lẻ trên toàn quốc đến tay người tiêu dùng tối đa 495.500 đồng/bình 12kg và không quá 2.060.000 đồng/bình 50 kg.

Trước xu hướng giảm của giá gas thế giới trong giai đoạn đầu năm nay, giá gas nội địa cũng đã có 2 tháng điều chỉnh giảm trong năm 2023, với tổng mức giảm ghi nhận lên tới 39.000 đồng/bình 12kg.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

 

 

 

 

Nguồn: Mxv