Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần ngày 20/03, các mặt hàng trên thị trường hàng hoá ghi nhận những diễn biến tương đối trái chiều. Điều đó khiến cho chỉ số MXV-Index thay đổi không đáng kể khi chỉ tăng nhẹ 0,01% lên mức 2.220,4 điểm.

Tâm điểm về những rủi ro trong lĩnh vực ngân hàng tạm thời được xoa dịu đã giúp cho biến động đối với giá hàng hoá nguyên liệu bình ổn trở lại trong ngày hôm qua. Giá dầu cũng đã phục hồi trong sắc xanh sau khi chạm mức thấp nhất kể từ đầu tháng 12/2021. Cùng chung đà tăng, nhóm kim loại ghi nhận tổng cộng 8 trên 10 mặt hàng giao dịch liên thông thế giới tại Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV) đồng loạt tăng giá. Trong khi đó, thị trường nguyên liệu công nghiệp có sự phân hoá trong diễn biến, với lực bán có xu hướng chiếm ưu thế. Diễn biến giá thể hiện sự sôi động của thị trường, giúp giá trị giao dịch toàn Sở đạt mức hơn 4.600 tỷ đồng.

Kỳ vọng tiêu thụ phục hồi thúc đẩy đà tăng của giá Arabica

Thêm một phiên ghi nhận sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Dẫn dắt đà suy yếu trong nhóm là dầu cọ thô với mức giảm hơn 3%, đóng cửa phiên ở mức thấp nhất trong vòng 6 tuần. Bất chấp việc tình hình xuất khẩu của Malaysia tiếp tục có sự cải thiện đáng kể trong tháng này, giá dầu cọ vẫn khó có thể hồi phục trở lại, khi mà những bất ổn của thị trường tài chính đang gây áp lực lên giá hàng hóa. Theo dữ liệu của công ty giám định độc lập Amspec Agri, xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ trong 20 ngày đầu tháng 03 của Malaysia đạt 938.690 tấn, tăng 29,8% so với cùng kỳ tháng trước.

Trái lại, giá cà phê Arabica rung lắc mạnh ngay phiên đầu tuần, trước khi đóng cửa với tăng 1,08% so với mốc tham chiếu. Ngay khi mở cửa, giá bất ngờ giảm mạnh do trước tín hiệu nguồn cung dần hồi phục với số liệu xuất khẩu tăng 30% trong 17 ngày đầu tháng 03 tại Brazil so với cùng kỳ tháng trước. Sau đó, khi Brazil bắt đầu phiên giao dịch vào lúc 19h, giá đã nhanh chóng hồi trở lại nhờ hỗ trợ từ sự suy yếu của tỷ giá USD/Brazil Real với mức giảm 0,78%, làm hạn chế nhu cầu bán hàng từ phía nông dân nước này.

Robusta cũng ghi nhận một phiên giao dịch đầy biến động. Mở cửa với mức giá giảm cách biệt so với phiên cuối tuần trước đến 14 USD nhưng sau đó dần hồi phục ấn tượng và ghi nhận mức tăng 1,11% khi kết phiên. Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê Việt Nam trong 15 ngày đầu tháng 03 đạt 91.000 tấn, tăng nhẹ so với 90.315 tấn của tháng trước và 81.451 tấn của cùng kỳ năm ngoái.

Ca cao ghi nhận phiên tăng thứ 3 liên tiếp với mức tăng 1,72% trong phiên hôm qua. Lo ngại về thiếu hụt nguồn cung do lượng ca cao cập cảng tại Bờ Biển Ngà tính từ đầu niên vụ đến nay chỉ ở mức 1,7 triệu tấn, giảm 5,4% so với niên vụ trước tiếp tục hỗ trợ giá tăng.  

Rủi ro ngành tài chính tạm lắng hỗ trợ giá kim loại

Trái với lực bán có phần chiếm ưu thế đối với nhóm nguyên liệu công nghiệp, sắc xanh áp đảo trên bảng giá kim loại với mức thay đổi tương đối đồng đều, sau khi chứng kiến nhiều phiên biến động mạnh trước đó. Đối với nhóm kim loại quý, bạc và bạch kim vẫn nhận được động lực tăng khi lần lượt kết phiên với mức tăng 0,82% lên 22,64 USD/ounce và 1,86% lên 996,8 USD/ounce.

Tâm lý hoảng loạn của thị trường vào tuần trước bởi những rủi ro trong hệ thống ngân hàng tạm thời được xoa dịu nhờ sự can thiệp từ phía Chính phủ và Ngân hàng Trung ương. Ngân hàng Credit Suisse đã được Ngân hàng hàng đầu Thuỵ Sỹ là UBS mua lại nhờ sự hậu thuẫn từ Chính quyền của quốc gia này với khoản tiền 3,2 tỷ USD, nhằm tránh xuất hiện rủi ro mang tính lan toả. Điều này đã hỗ trợ dòng tiền quay trở lại các thị trường rủi ro, và tài sản trú ẩn an toàn như vàng cũng trở nên kém hấp dẫn hơn.

Đối với bạc và bạch kim, do vai trò trú ẩn kém hơn vàng, nên dòng tiền rút ra từ vàng trước, trong khi vai trò công nghiệp cũng mạnh hơn vàng, nên những sự ổn định trên thị trường tài chính cũng hỗ trợ cho bạc và bạch kim nhiều hơn. Đồng USD giảm khi một vài ý kiến cho rằng Fed sẽ nhẹ tay thắt chặt tiền tệ hơn sau khi có các động thái tăng thanh khoản cho thị trường, và cũng hỗ trợ cho lực mua đối với bạc và bạch kim do chi phí nắm giữ bớt đắt đỏ hơn.

Đối với nhóm kim loại cơ bản, mặc dù mở cửa phiên với lực bán chiếm ưu thế khi lo ngại suy thoái kinh tế vẫn còn tiềm ẩn, song yếu tố kỳ vọng về cung cầu đã kéo giá đồng COMEX đảo chiều tăng trở lại, chốt phiên với mức tăng 1,52% lên 3,95 USD/pound. Đồng giám đốc bộ phận kim loại và khoáng sản của tập đoàn kinh doanh kim loại hàng đầu Trafigura vào hôm qua cho biết, giá đồng có thể đạt mức kỷ lục trong vòng 12 tháng tới do lượng dự trữ rất khan hiếm, thậm chí trên 12.000 USD/tấn. Trong khi đó, nhu cầu tại Trung Quốc cũng đang hồi phục, khi sản xuất đồng tinh chế phục hồi, thúc đẩy xuất khẩu đồng Cathode 2 tháng đầu năm tăng 168% lên 54.996 tấn từ mức 20.530 tấn trong cùng kỳ năm ngoái.

Trái lại, quặng sắt có phiên lao dốc hơn 4% xuống 125,5 USD/tấn khi Uỷ ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc cho biết sẽ xem xét các biện pháp kiềm chế đà tăng “bất hợp lý” của giá quặng sắt, kêu gọi các công ty thương mại tránh tích trữ đầu cơ và gây lạm phát giá. Ngoài ra, trung tâm sản xuất thép Đường Sơn vào hôm qua cũng đưa ra phản ứng cấp độ 2 trước tình trạng ô nhiễm nặng nề được dự báo trong tuần này, có nguy cơ khiến công suất hoạt động bị cắt giảm từ 30 – 50%. Điều này đã đẩy giá quặng sắt dùng cho sản xuất thép giảm mạnh trong phiên hôm qua.

Sản xuất và tiêu thụ sắt thép trong nước chờ đợi thêm nhiều cú hích

Bức tranh kinh tế 2 tháng đầu năm 2023 đã có những tín hiệu khả quan với một số chỉ tiêu có sự khởi sắc, như tỷ lệ vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tăng 3,2% so với cùng kỳ, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới tăng gấp 3 lần... Tuy vậy, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm ở nhiều địa phương có quy mô công nghiệp lớn, vẫn ảnh hưởng tới sản xuất và tiêu dùng, trong đó có ngành sắt thép.

Dữ liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, sản xuất thép thành phẩm đạt 2,35 triệu tấn trong tháng 2, tăng 21,91% so với tháng trước đó nhưng giảm 8,9% so với cùng kỳ 2022. Trong khi đó, bán hàng thép các loại đạt 2,08 triệu tấn, tăng 18,13% so với tháng trước nhưng giảm 19% so với cùng kỳ. Như vậy, tính chung cho 2 tháng đầu năm nay, sản xuất thép thành phẩm đã giảm 16,3% so với cùng kỳ năm 2022 và bán hàng giảm 23,2%. Theo MXV, thị trường tiêu thụ sắt thép trong nước đối với các tháng tới nhiều khả năng sẽ khởi sắc hơn khi chuẩn bị bước vào mùa xây dựng cao điểm. Các dự án đầu tư hạ tầng cũng sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ, là tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất và bức tranh nhu cầu cũng nhận được nhiều động lực cải thiện.

Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV)

 

 

 

 

Nguồn: Mxv