Các yếu tố vĩ mô có thể sẽ chi phối giá đồng trong phiên hôm nay sau cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào đêm qua. Chủ tịch Fed Jerome Powell dường như đã mở ra một giai đoạn mới trong chiến dịch thắt chặt tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, với lãi suất cuối cùng được dự kiến sẽ sẽ tăng cao hơn mức 4.6% như mục tiêu được đưa ra trong cuộc họp tháng 9, nhưng các đợt tăng lãi suất cũng sẽ nhỏ hơn giai đoạn vừa qua. Điều này có nghĩa rằng Fed sẽ còn ít nhất khoảng 2 đợt tăng lãi suất nữa trước khi giữ mức cao đó trong một khoảng thời gian đủ dài để có thể hạ nhiệt lạm phát.

Công cụ theo dõi lãi suất Fed Watch của CME Group cũng đã cho thấy tỷ lệ đặt cược vào mức tăng 50 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 12 của Fed tăng từ 44% lên khoảng 65% trong khi tỷ lệ cho mức tăng 75 điểm cơ bản tiếp theo giảm nhẹ. Việc hạ mức tăng lãi suất trong thời gian tới nhưng lại có động thái tăng lãi suất mục tiêu vẫn là yếu tố gây thất vọng cho thị trường và do đó, sẽ hỗ trợ đồng Dollar Mỹ và có thể gây áp lực tới giá đồng trong phiên.

Tuy nhiên, yếu tố có thể hỗ trợ giá đồng hiện tại đang phụ thuộc vào hàng loạt các tin đồn về việc nới lỏng chính sách Zero Covid và dần mở cửa trở lại. Mặc dù thông tin chưa được xác nhận, nhưng với bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang quá tiêu cực, thị trường sẽ có phản ứng khá mạnh đối với các kỳ vọng tích cực như thông tin này. Điều đó có thể sẽ ngăn cản đà giảm sâu của giá trước các sức ép vĩ mô.

Yếu tố cung cầu trên thực tế cũng có thể đem lại động lực phục hồi cho thị trường đồng khi mà mới đây, dữ liệu từ Nhóm Nghiên cứu Đồng quốc tế cho biết thị trường đồng vẫn đang ở trạng thái thâm hụt 16,000 tấn trong tháng 8. Mặc dù con số này thấp hơn mức thâm hụt 80,000 tấn trong tháng 7 nhưng nếu tính luỹ kế 8 tháng đầu năm nay, thâm hụt đồng tinh chế ở mức 292,000 tấn, cao hơn gần gấp đôi so với mức 152,000 tấn cùng kỳ năm ngoái.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Nguồn: Mxv