Giá ngô mở cửa phiên sáng nay chỉ tăng nhẹ sau phiên lao dốc mạnh do tác động từ báo cáo Cung cầu tháng 7 tối qua. Những số liệu đáng chú ý tạo áp lực và khiến giá ngô quay trở lại vùng đáy thấp nhất trong 1 năm qua vẫn là về triển vọng nguồn cung từ Mỹ. Những biến động này theo chúng tôi vẫn đang nằm trong chu kỳ hàng năm của nhóm nông sản. Mặc dù giá ngô năm nay hiện vẫn đang cao hơn so với cùng kì năm ngoái nhưng những diễn biến giá ngô vẫn có sự tương đồng.

Khác với thị trường lúa mì, nguồn cung ngô toàn cầu có đặc điểm tập trung hơn khi chỉ phụ thuộc vào 2 khu vực chính là Mỹ và Nam Mỹ. Nếu như 2 nước sản xuất lớn là Argentina và Brazil đã thu hoạch và các số liệu dự báo sản lượng không còn tác động đáng kể đến giá trong giai đoạn này thì yếu tố gần như duy nhất có thể quyết định đến xu hướng của ngô trong thời gian tới là triển vọng mùa vụ của Mỹ. Trong đó, diện tích đã được phản ánh trong báo cáo ngày 30/06 và nếu có điều chỉnh thì sẽ thường xuất hiện trong báo cáo tháng 11. Chính vì thế nên thời tiết trong tháng 7 và tháng 8 sẽ quyết định lên giá ngô. Mặc dù các số liệu về nguồn cung đang khá tích cực khi tồn kho của Mỹ và thế giới niên vụ 22/23 được cải thiện nhưng kịch bản không chắc chắn do rủi ro khô nóng đang đe doạ đến giai đoạn phát triển quan trọng nhất của cây trồng. Với triển vọng sắp tới, chúng tôi vẫn cho rằng giá ngô có thể sẽ bước vào xu hướng đi ngang trong vài tuần tới, như diễn biến trong cùng kì năm ngoái.

Về nhu cầu, thông tin về khả năng Brazil đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc trong nửa cuối năm nay cũng sẽ là yếu tố có tác động đến giá trong trung và dài hạn. Vào tháng 5, sau khi kí kết giữa 2 nước được hoàn thành, Trung Quốc đã chấp thuận một số loại ngô biến đối gen từ quốc gia Nam Mỹ này và mở ra giai đoạn cơ cấu nhập khẩu có thể thay đổi. Tuy nhiên, do trong ngắn hạn các đơn hàng vẫn chưa bắt đầu nên thông tin này có thể sẽ được phản ánh dần qua các số liệu xuất khẩu vài tháng tới.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Nguồn: Mxv