Mở cửa phiên giao dịch ngày 21/04, giá đậu tương tiếp tục suy yếu về vùng hỗ trợ 1460. Như chúng tôi đã phân tích ở các bản tin trước, triển vọng nguồn cung ở cả 3 quốc gia sản xuất chính hiện tại đều đang thiên về tác động “bearish” là nguyên nhân chính lý giải cho nhịp giảm hiện tại. Và với dự báo tốc độ nhập khẩu của Trung Quốc cũng sẽ dần sụt giảm trong vài tháng tới thì khả năng giá đậu tương có thể sẽ phá vỡ vùng hỗ trợ 1460 và quay trở lại xu hướng giảm trước đó.

Nhập khẩu đậu tương từ Mỹ của Trung Quốc đã đạt mức 4.83 triệu tấn, tăng 43% trong tháng 03, và cao hơn nhiều so với mức 3.37 triệu tấn trong một năm trước đó, dữ liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy. Trong khi đó,khối lượng nhập khẩu từ Brazil lại giảm 42% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 1.67 triệu tấn. Mưa đã làm trì hoãn vụ thu hoạch ở các khu vực trồng trọt chính ở Brazil đầu năm nay dẫn tới giai đoạn xuất khẩu cao điểm cũng bị lùi lại. Tuy nhiên, dựa trên các số liệu bán hàng đậu tương của Mỹ trong những tuần gần đây, xuất khẩu từ nước này sang Trung Quốc có thể sẽ ghi nhận tốc độ chậm hơn đáng kể trong giai đoạn quý II này. Tiến độ thu hoạch đậu tương niên vụ 22/23 tại bang Rio Grande do Sul của Brazil hiện đạt 54% kế hoạch, tăng 22% so với một tuần trước, Công ty Hỗ trợ kỹ thuật và Khuyến nông Nông thôn Emater cho biết. Mặc dù còn số này vẫn chậm hơn so với mức 75% trung bình lịch sử nhưng với kỳ vọng về mùa vụ kỉ lục thì nguồn cung ở Nam Mỹ vẫn đang chiếm dần tính cạnh tranh hơn so với đậu tương Mỹ.

Trong khi đó, tại Argentina, Sở Giao dịch Ngũ cốc Buenos Aires (BAGE) cho biết, tỉ lệ đậu tương đạt chất lượng tốt-tuyệt vời vẫn duy trì ở mức rất thấp 3% diện tích. TIến độ thu hoạch ở mức 17% diện tích dự kiến, thấp hơn mức 31% cùng kỳ năm ngoái và mức 35% trung bình 3 năm. Tuy nhiên, càng đến gần cuối giai đoạn thu hoạch thì tác động hỗ trợ từ yếu tố này sẽ càng nhẹ dần.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Nguồn: Mxv