Kết thúc ngày giao dịch đầu tuần, sắc xanh dần quay trở lại trên thị trường hàng hoá với gần 70% các mặt hàng tăng giá so với phiên trước đó. Chỉ số MXV-Index tăng 1,37% và đạt mức 2.565,58 điểm. Ngoại trừ nhóm kim loại, chỉ số MXV-Index của 3 nhóm nguyên liệu còn lại đều đồng loạt kết phiên với mức điểm cao hơn.

Nông sản dẫn dắt đà tăng với sự phục hồi của 5 trên tổng số 6 mặt hàng trong nhóm. Nhóm năng lượng tiếp tục duy trì sức hút của dòng tiền đầu tư khi giá trị giao dịch tăng lên mức gần 2.000 tỷ đồng. Kết thúc phiên, giá trị giao dịch toàn Sở duy trì ở mức hơn 3.500 tỷ đồng.

Nguồn cung thắt chặt tiếp tục hỗ trợ cho giá dầu

Thị trường dầu thô trải qua một phiên giao dịch đầy biến động trong bối cảnh các yếu tố về vĩ mô cạnh tranh với những yếu tố cơ bản về cung cầu. Kết thúc phiên ngày 25/7, giá dầu thô WTI tăng 2,11% lên 96.7 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng khiêm tốn hơn chỉ 1,81% lên 100,19 USD/thùng.

Lo ngại về một đợt tăng lãi suất mạnh tay khác tới từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cùng với nguy cơ suy thoái trên toàn cầu đã khiến cho sức ép bán xuất hiện ngay từ đầu phiên.

Tuy nhiên, sau đó giá dầu thô đã hồi phục mạnh mẽ khi các nhà giao dịch thận trọng cân nhắc các yếu tố về nguồn cung. Những rủi ro suy thoái hiện dừng ở mức lo ngại, trong khi tình trạng nguồn cung bị thắt chặt vẫn đang tiếp tục diễn ra. Nhiều nhà phân tích cho rằng chính sách áp giá trần đối với dầu thô của Nga không những khó giải quyết vấn đề về nguồn cung, trái lại còn làm gia tăng những rủi ro đối với an ninh năng lượng toàn cầu. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga, Elvira Nabiullina, cũng cho biết Nga sẽ không cung cấp dầu cho các quốc gia áp đặt trần giá đối với dầu của họ.

Một yếu tố khác khiến cho sức mua gia tăng trên thị trường dầu hôm qua chính là sự suy yếu của đồng USD. Chỉ số Dollar Index giảm về 106,8 điểm, mức thấp nhất trong vòng 2 tuần.

Trên thị trường khí tự nhiên, Nga đã tiến hành thắt chặt nguồn cung khí đốt đối với châu Âu, Gazprom cho biết nguồn cung thông qua đường ống Nord Stream 1 đến Đức sẽ giảm xuống chỉ còn 20% công suất. Điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu khí đốt của Châu Âu từ các khu vực khác trên thế giới, đặc biệt là Mỹ. 

Theo Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), quốc gia này hiện đã trở thành nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) hàng đầu trong nửa đầu năm 2022, trong bối cảnh nước này tăng nguồn cung sang châu Âu do xung đột giữa Nga - Ukraine. Giá khí tự nhiên tại Mỹ hôm qua tiếp tục tăng 4,59%.

Khô đậu tương ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong 5 tháng

Trên thị trường nông sản, các mặt hàng trong nhóm đậu tương nhìn chung có diễn biến trái chiều. Trong khi đậu tương và khô đậu tương tăng mạnh thì dầu đậu tương lại chỉ biến động nhẹ, giằng co quanh mức giá tham chiếu.

Vào cuối tuần vừa qua, quân đội Ukraine cho biết tên lửa của Nga đã tấn công cơ sở hạ tầng ở cảng Odessa. Theo Tổng thống Ukraine, cuộc tấn công bằng tên lửa chứng tỏ Moscow sẽ tìm mọi cách để không thực hiện thỏa thuận ngũ cốc. Điều này đã đẩy lo ngại về chuỗi cung ứng toàn cầu lên mức cao, từ đó, gián tiếp khiến giá đậu tương mở cửa tạo cách biệt trong đầu phiên hôm qua.

Bên cạnh, số liệu trong Báo cáo giao hàng xuất khẩu đã hỗ trợ cho đà tăng của giá đậu tương. Theo đó, trong tuần từ 15/07 đến 21/07, giao hàng đậu tương đạt mức 388.212 tấn, vẫn cao hơn so với mức 242.239 tấn trong cùng kỳ năm ngoái. Đây là thông tin tác động hỗ trợ cho giá đậu tương trong phiên.

Ở chiều ngược lại, giá dầu đậu tương khép lại phiên hôm qua với mức giảm nhẹ bất chấp lực mua đã chiếm thế áp đảo ngay từ khi mở cửa. Theo đó, công ty giám định độc lập Amspec Agri cho biết, xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ trong giai đoạn 01/07-25/07 của Malaysia đạt 864.563 tấn, giảm 2,7% so với mức 888.288 tấn cùng kỳ tháng trước. Điều này nhiều khả năng là do sự cạnh tranh gắt gao đến từ nguồn cung dầu cọ của Indonesia, với việc nước này tiếp tục nới lỏng chính sách để thúc đẩy xuất khẩu. Và đây là yếu tố gây sức ép đến giá dầu thực vật, và gián tiếp gây áp lực lên giá dầu đậu tương.

Ngô và lúa mì phục hồi mạnh trước những căng thẳng tại Biển Đen

Giá ngô hợp đồng tháng 12 tăng cách biệt ngay khi mở cửa phiên giao dịch đầu tuần do một trong ba cảng vừa được giải phóng của Ukraine bị quân đội Nga bắn phá. Đà tăng tiếp tục được đẩy mạnh giúp giá ngô đóng cửa ở mức cao nhất phiên và cao hơn gần 20 cents so với phiên trước đó.

Chỉ một ngày sau khi các thỏa thuận về vấn đề xuất khẩu ngũ cốc trên Biển Đen được các bên liên quan kí kết vào thứ sáu tuần trước, nguồn tin từ Ukraine cho biết cảng Odessa của nước này đã bị tấn công bằng tên lửa của Nga, khiến giá mở đầu phiên tăng mạnh.

Trong khi đó, cơ quan giám sát mùa vụ của Liên minh châu Âu (MARS) mới đây đã hạ dự báo năng suất ngô trung bình của EU năm nay từ mức 7,87 tấn/héc-ta xuống còn 7,25 tấn/héc-ta, thấp hơn 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Thời tiết khô hạn kéo dài đã khiến năng suất ngô của khối này giảm mạnh và đe dọa đến tổng sản lượng cả mùa vụ. Đây là yếu tố đã hỗ trợ giá ngô trong phiên.

Tương tự như ngô, giá lúa mì hợp đồng kỳ hạn tháng 09 cũng tăng mạnh đầu phiên, sau đó diễn biến giằng co trong thời gian còn lại do thông tin cảng Odessa bị tấn công bằng tên lửa. Đã có thời điểm giá lúa mì giảm mạnh giữa phiên. Tuy vậy, giá đã bật tăng trở lại và kết thúc phiên với mức tăng gần 2% do những số liệu tích cực trong báo cáo Giao hàng xuất khẩu.

Theo USDA, trong tuần 15/07-21/07, khối lượng giao hàng lúa mì của Mỹ đạt 475.426 tấn, tăng hơn 2 lần so với số liệu tuần trước đó. Điều này cho thấy tín hiệu tích cực đối với nhu cầu lúa mì từ Mỹ và đã hỗ trợ đà tăng của giá mặt hàng này trên sàn CBOT.

Trên thị trường nội địa, giá heo hơi bất ngờ quay đầu giảm từ 1.000 – 5.000 đồng/kg sau đà tăng vọt liên tục trước đó. Tuy nhiên, giá thu mua heo hơi nhìn chung vẫn đang ở mức cao, dao động trong khoảng 63.000 - 71.000 đồng/kg tuỳ từng khu vực. So với hồi đầu năm, giá đã tăng lên khoảng gần 60% và hiện đang ngang với thời điểm đầu năm ngoái.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Nguồn: Mxv