Mở cửa phiên giao dịch ngày 30/03, giá ngô vẫn chỉ đang giằng co quanh vùng tham chiếu như diễn biến của vài phiên vừa qua. Thị trường vẫn đang trong nhịp hồi phục sau chuỗi giảm mạnh vì kì vọng thời tiết của Argentina tuy nhiên tâm lí chờ đợi của của giới đầu từ trước 2 báo cáo quan trọng được USDA phát hành vào tối mai đang hạn chế biến động của giá. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng các số liệu sắp tới có thể sẽ không mang lại nhiều tác động đáng kể đối với xu hướng trung hạn của ngô.

Kể từ đầu tuần trước, các đơn hàng Daily Export Sales liên tục được phát hành hàng ngày với khối lượng ngô khoảng 100,000 – 200,000 tấn bán sang Trung Quốc. Nhu cầu từ quốc gia tỉ dân này lại một lần nữa được đẩy mạnh khi thực hiện các chính sách mở cửa trở lại, tương tự như tình hình năm 2021. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là liệu giá ngô có tăng vọt như 2 năm trước hay không?

Quay trở lại giai đoạn này, không chỉ ngô mà thị trường hàng háo cũng bước vào chuỗi siêu chu kì tăng giá do triển vọng tích cực và kì vọng vào khả năng phục hồi của nền kinh tế thế giới. Ngược lại, tình hình lạm phát lại đang là mối nguy và gây ra nguy cơ suy thoái kinh tế. Chính vì thế nên nhu cầu của Trung Quốc sẽ khó có thể đạt được mức cao và duy trì như các đơn hàng trên 1 triệu tấn vào năm 2021. Nguyên nhân của việc mua hàng trong thời gian gần đây đến từ việc nguồn cung sẵn có ở Nam Mỹ thắt chặt và nông dân ưu tiên việc xuất khẩu đậu tương hơn. Cho tới khi Brazil thu hoạch vụ ngô safrinha kỉ lục thì giá ngô sẽ chịu áp lực bán mạnh do thỏa thuận thương mại giữa Brazil và Trung Quốc được kí kết vào năm ngoái đã mở ra triển vọng cơ cấu xuất khẩu tăng vọt của quốc gia Nam Mỹ này. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, việc nhu cầu với ngô Mỹ gia tăng cũng sẽ là yếu tố khiến cho giá ngô sẽ khó có thể giảm sâu. Trong báo cáo Export Sales được USDA phát hành vào tối nay, thị trường đang kì vọng khối lượng bán hàng có thể sẽ đạt mức 600,000 – 1,800,000 tấn.

 

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Nguồn: Mxv