Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần, giá ngô chỉ giằng co nhẹ quanh mức tham chiếu. Đà tăng liên tiếp và mạnh mẽ trong 3 tháng qua đã giúp giá mặt hàng này quay trở lại vùng cao hơn 1 chút với cùng kì năm ngoái. Bối cảnh cơ bản tương tự khi hạn hán ở Nam Mỹ đang là vấn đề được quan tâm nhất trong giai đoạn này và là yếu tố thúc đẩy đà tăng mạnh mẽ của giá. Cho tới khi có thêm yếu tố mới về mùa vụ của Mỹ, các số liệu dự báo về diện tích gieo trồng năm nay của quốc gia này được công bố thì chúng tôi vẫn cho rằng xu hướng giá ngô vẫn sẽ tiếp tục. Không những thế, trong tuần này, do tác động từ báo cáo Cung – cầu sẽ được Bộ nông nghiệp Mỹ công bố vào tối thứ 4, tác động “bullish” từ triển vọng nguồn cung sẽ càng lớn hơn.

Trước khi các số liệu chính thức được công bố, biến động của giá sẽ thể hiện những dự đoán của thị trường. Do ảnh hưởng của hạn hán kéo dài và chỉ một lượng mưa ngắn xuất hiện gần đây, thiệt hại về sản lượng đậu tương của Argentina niên vụ 22/23 được cho là vẫn sẽ tiếp tục được ghi nhận. Cụ thể, con số này hiện đang được dự đoán ở mức 48.5 triệu tấn và nếu xác nhận thì đồng nghĩa với việc mức sản lượng đã sụt giảm tới 12% so với kỳ vọng ban đầu. Trong 2 báo cáo Cung – cầu đầu tiên của năm 2021, mặc dù mùa vụ ở Argentina không bị đánh giá quá tệ nhưng ước tính sản lượng ngô ở Brazil niên vụ 21/22 cũng bị cắt giảm mạnh tay từ mức 118 xuống còn 114 triệu tấn. Tình hình triển vọng nguồn cung cũng trở nên thắt chặt tương tự trong năm nay sẽ là động lực thúc đẩy đà tăng của giá ngô trong vài phiên tới.

Mặc dù chưa phải là yếu tố đáng lo ngại nhưng vụ ngô thứ 2 của Brazil cũng đang bị ảnh hưởng bởi tiến độ thu hoạch đậu tương chậm trễ và mới chỉ bằng 1 nửa so với cùng kì năm ngoái. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động gieo trồng ngô ngay sau đó và cây trồng sẽ phải đứng trước nguy cơ phát triển trong  thời gian kém lí tưởng vào mùa khô ở Brazil.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Nguồn: Mxv