Mở cửa phiên giao dịch ngày 23/05, giá lúa mì quay đầu giảm mạnh trở lại nhưng vẫn đang biến động quanh vùng giá tâm lí 600. Mặc dù giá vẫn đang chịu sức ép về nguồn cung sau khi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen được xác nhận sẽ gia hạn nhưng một số yếu tố hỗ trợ đang xuất hiện trong vài phiên gần đây và có thể giúp giá bước vào một nhịp hồi phục ngắn.

Nông dân ở Kansas, nơi sản xuất lúa mì lớn nhất của Mỹ, đang buộc phải từ bỏ mùa màng của mình, do hạn hán nghiêm trọng và giá rét tàn phá nặng nề cây trồng, Reuters cho biết trong một cuộc khảo sát mùa vụ. Việc bỏ hoang các diện tích lúa mì đã trồng sẽ khiến nguồn cung của Mỹ - nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ 5 toàn cầu - bị thu hẹp, với lượng tồn kho được dự báo sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong 16 năm. Điều này cũng sẽ khiến các thương nhân lúa mì phải điều chỉnh kế hoạch thu mua bằng cách chuyển sang nguồn cung từ nước khác.

Trên toàn nước Mỹ, nông dân trồng lúa mì vụ đông có kế hoạch từ bỏ 33% diện tích cây trồng, tỉ lệ cao nhất kể từ Thế chiến I, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết trong một báo cáo. USDA dự kiến nông dân Kansas sẽ bỏ hoang 19% diện tích lúa mì đông đã trồng, tăng từ mức 10% của năm ngoái và mức 4% của năm 2021. Các nhà phân tích tham gia cuộc khảo sát của Reuters thậm chí còn cảnh báo về một tỉ lệ cao hơn. Bang Kansas dự kiến chỉ sản xuất 191,4 triệu giạ lúa mì trong năm nay, mức thấp nhất kể từ năm 1963, dự báo mới nhất của USDA cho thấy. Các nhà phân tích trong chuyến khảo sát dự báo con số thực tế có thể còn thấp hơn nữa, ở mức 178 triệu giạ.

Bên cạnh lo ngại về vụ lúa mì của Mỹ, biểu đồ giá đã xuất hiện tín hiệu phân kì sau đợt giảm mạnh. Mặc dù giá tạo lên những đáy thấp dần nhưng RSI lại tạo đáy cao hơn cho thấy động lượng giảm giá đã yếu đi nhiều nên có thể sẽ xuất hiện tín hiệu đảo chiều ngắn hạn ở vùng giá này.

 

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Nguồn: Mxv