Bên cạnh vai trò trú ẩn an toàn, kim loại quý bạc và bạch kim ngày càng cho thấy vị thế quan trọng trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là vai trò cầu nối chuyển mình sang thời kỳ năng lượng tái tạo. Do đó, kỳ vọng giá kim loại quý hạ nhiệt, sẽ giúp các doanh nghiệp chế tạo hưởng lợi từ chi phí, và thúc đẩy lĩnh vực đầu tư “xanh”.
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc phiên giao dịch ngày 11/07, giá bạc niêm yết trên Sở COMEX giảm 0,27% xuống 23,28 USD/ounce. Giá bạch kim trên Sở NYMEX giảm 0,26% xuống 932,4 USD/ounce. Sau đà tăng trong cuối quý I, đầu quý II, trong vòng hơn 2 tháng trở lại đây, giá hai mặt hàng kim loại quý này đang có xu hướng hạ nhiệt nhẹ.
Lãi suất cao gây áp lực cho giá kim loại quý
Các mặt hàng kim loại quý vốn được coi như là thị trường trú ẩn an toàn để chống lại lạm phát cũng như bất ổn về kinh tế chính trị. Tuy nhiên, môi trường lãi suất cao tại các nền kinh tế lớn khiến cho dòng tiền tìm đến những sản phẩm tài chính nhạy cảm với lãi suất như trái phiếu Chính phủ, để trú ẩn trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Cụ thể, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã có lần tăng lãi suất lần thứ 8 liên tiếp trong tháng 06/2023, đưa lãi suất từ mức âm 0,5% lên mức 3,5% chỉ trong vòng hơn 1 năm. Đối với Ngân hàng Trung ương Anh (BOE), tốc độ tăng lãi suất thậm chí còn nhanh hơn, với 13 lần liên tiếp kể từ tháng 11/2022, từ mức 0,1% lên mức 5% vào tháng 06/2023.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã có 10 lần tăng lãi suất liên tiếp, nâng mức lãi suất cơ bản lên 5% - 5,25% trước khi tạm dừng chu kỳ tăng lãi suất vào tháng 06/2023 để có thêm thời gian đánh giá tác động của những đợt thắt chặt chính sách tiền tệ.
Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt nam, cho biết: “Lạm phát tại các nền kinh tế lớn chưa về vùng mục tiêu, cùng với thị trường lao động duy trì sự mạnh mẽ sẽ tạo ra không gian để các Ngân hàng Trung ương tiếp tục chu kỳ tăng lãi suất trong nửa cuối năm 2023. Trong bối cảnh đó, giá bạc và bạch kim có thể sẽ tiếp tục gặp sức ép cạnh tranh với các sản phẩm sinh lời khác.”
Ngoài ra, chi phí đi vay cao hơn tại các nền kinh tế lớn làm cho nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, khiến nhu cầu công nghiệp của các mặt hàng kim loại quý cũng gặp nhiều thách thức.
Tuy nhiên, theo MXV, giá bạc và bạch kim có thể gặp sức ép vĩ mô, nhưng triển vọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng xanh sẽ là nhân tố thúc đẩy nhu cầu và giá cả trong dài hạn.
Bạc và bạch kim đóng vai trò quan trọng trong ngành năng lượng tái tạo, đặc biệt là lĩnh vực như điện mặt trời, pin nhiên liệu.
Các tấm pin mặt trời sẽ chứa một lớp chất liệu mỏng bằng bạc để tạo ra điện áp khi có ánh sáng chiếu vào. Bên cạnh đó, bạch kim là nguyên liệu thiết yếu để tạo ra các loại pin, hoặc thiết bị tích trữ điện được sử dụng nhiều trong ngành sản xuất xe điện và xe bằng nhiên liệu hydro.
Theo báo cáo Khảo sát Bạc Thế giới 2023 của Viện Bạc, sự thống trị của công nghệ pin mặt trời PERC, sử dụng khoảng 10 miligram bạc/watt đang dần bị thay thế bởi thiết kế TOPcon, tiêu thụ khoảng 13 miligram bạc/watt và HJT, tiêu thụ khoảng 22 miligram bạc/watt. Điều này cho thấy nhu cầu bạc đối với lĩnh vực năng lượng sẽ tiếp tục tăng cao trong tương lai.
Cơ hội tốt để Việt Nam tăng cường đầu tư năng lượng tái tạo
Xu hướng đa dạng hóa nguồn điện năng, đặc biệt hướng tới năng lượng tái tạo là một bước đi chiến lược của Chính phủ Việt Nam, phù hợp với xu hướng “xanh hoá” trên toàn cầu. Do đó, nhu cầu tiêu thụ bạc, hay bạch kim, dự báo sẽ gia tăng trong dài hạn.
Việt Nam đã đặt mục tiêu kiểm soát mức phát thải nhà kính không vượt quá 170 triệu tấn vào năm 2030, với điều kiện của các cam kết theo Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Đây sẽ các động lực thúc đẩy nước ta tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo, trong khi giá các mặt hàng kim loại quý đang trong giai đoạn hạ nhiệt.
Theo Quy hoạch điện VIII, các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, đạt tỷ lệ khoảng 30,9 – 39,2% vào năm 2030, hướng tới mục tiêu tỷ trọng năng lượng tái tạo đạt mức 47% phù hợp với điều kiện của JETP, và định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 – 71,5%.
Trước đó, báo cáo của World Bank vào năm 2022 cho biết công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo của Việt Nam năm 2021 đạt mức 20.670 megawatt/giờ, chiếm 27% tổng công suất điện, cho thấy Việt Nam đang đi đúng hướng trong quá trình theo đuổi mục tiêu Quy hoạch điện VIII.
“Giai đoạn nửa cuối năm 2023 là thời gian thích hợp để Việt Nam tích cực đầu tư cho năng lượng tái tạo khi giá của các mặt hàng kim loại quý đang bị lấn át bởi các yếu tố vĩ mô. Bước vào năm 2024, giá của các mặt hàng này có thể sẽ hồi phục trở lại do một số nền kinh tế lớn nới lỏng chính sách tiền tệ, cũng như nhu cầu công nghiệp bắt đầu được đẩy lên cao khi chuyển đổi xanh đang là xu hướng nhiều quốc gia đều theo đuổi”, ông Phạm Quang Anh đánh giá.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Nguồn: Mxv