Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, giá hàng hóa nguyên liệu diễn biến giằng co trong ngày hôm qua. Lực mua và bán tương đối cân bằng trong khi phần lớn các mặt hàng dao động nhẹ quanh mức tham chiếu khiến chỉ số MXV-Index đóng cửa chỉ suy yếu nhẹ 0,05% xuống 2.242 điểm. Đáng chú ý, giá trị giao dịch toàn Sở tăng vọt hơn 80%, đạt trên 4.600 tỷ đồng, cao nhất trong vòng hơn 1 tháng qua.

Nông sản là nhóm đóng góp mạnh nhất vào đà giảm chung của toàn thị trường. Trong khi đó, kim loại là nhóm mặt hàng duy nhất đóng cửa ngày hôm qua với lực mua áp đảo.

Giá kim loại lấy lại động lực tăng

Giá bạc bật tăng mạnh với mức tăng 2,67% lên 23,34 USD/ounce. Đây cũng là phiên ghi nhận mức tăng mạnh nhất của giá bạc trong vòng hơn 1 tháng do một số lo ngại về nguồn cung. Tại Mexico, quốc gia khai thác bạc lớn nhất thế giới, đang phải trải qua tình trạng mưa lũ nặng nề kể từ cuối tuần trước. Bão Hilary đã quét qua Mexico và gây ngập lụt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến điện lưới nhiều khu vực. Điều này làm gia tăng lo ngại hoạt động khai thác bị gián đoạn và đe dọa tới nguồn cung bạc trong ngắn hạn.

Đối với nhóm kim loại cơ bản, nối tiếp đà tăng từ cuối tuần trước, giá đồng COMEX tiếp tục tăng 0,34% trong khi giá quặng sắt tăng 0,53%, chốt phiên tại mức 107,42 USD/tấn, mức cao nhất trong vòng gần 3 tuần. 

Trong ngày hôm qua, cả giá đồng và quặng sắt đều được hỗ trợ sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) thông báo hạ lãi suất nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế. Cụ thể, vào sáng ngày 21/0, PBOC tuyên bố hạ lãi suất cho vay cơ bản (LPR) kỳ hạn 1 năm xuống còn 3,45% từ mức 3,55%, tương đương giảm 10 điểm cơ bản.  

Hơn nữa, giá quặng sắt được hỗ trợ khi các nhà sản xuất thép Trung Quốc không cắt giảm sản lượng nhiều như lo ngại trước đó. Theo China Iron and Steel Industry, sản lượng thép trung bình hàng ngày ở Trung Quốc giai đoạn 10 ngày đầu tháng 8 là 2,9 triệu tấn, cao hơn 0,8% so với bình quân tháng 7 và tăng 9,1% cùng kỳ năm trước. 

Tuy vậy, sản lượng thép tiếp tục tăng lên có thể khiến các nhà máy sản xuất thép phải đối mặt với áp lực lớn hơn trong việc kiểm soát sản lượng trong giai đoạn từ nay đến cuối năm.

Giá nông sản giảm mạnh

Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/8, giá ngô quay đầu giảm mạnh hơn 2% sau chuỗi 3 phiên hồi phục liên tiếp. MXV cho biết, bất chấp mức tăng mạnh khi mở cửa trở lại vào đầu tuần, hoạt động xuất khẩu khả quan từ Ukraine đã khiến giá quay đầu suy yếu.  

Các mô hình dự báo thời tiết cho thấy một đợt nắng nóng sẽ quay trở lại và mở rộng trên khắp khu vực Trung Tây của Mỹ. Nhiệt độ cao hơn mức bình thường sẽ tăng cường trên các khu vực canh tác chính vào đầu tuần này và kéo dài trong khoảng 5-7 ngày tới. Dự báo ngày càng chắc chắn hơn về thời tiết tiêu cực ảnh hưởng đến năng suất mùa vụ ngô đã khiến cho giá bật tăng mạnh khi mở cửa. 

Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu tại Ukraine đón nhận các tín hiệu tích cực đã tạo sức ép và khiến giá ngô quay đầu suy yếu. Ukraine đang có kế hoạch mở rộng tuyến đường mới trên biển Đen để vận chuyển ngũ cốc sau khi các tàu chở hàng được di tản thành công trên tuyến đường này vào tuần trước. Quốc gia này công bố một “hành lang nhân đạo” ôm sát bờ biển phía tây của vùng biển gần Romania và Bulgaria. Theo đó, phó chủ tịch Hội đồng Nông nghiệp Ukraine cho biết các tàu vận chuyển ngũ cốc có thể sẵn sàng di chuyển trên các tuyến đường thay thế. Thông tin này càng củng cố thêm về triển vọng xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine, từ đó gây áp lực lên giá.

Tương tự như diễn biến của ngô, giá lúa mì đóng cửa trong sắc đỏ và ghi nhận mức giảm mạnh nhất nhóm nông sản. Thông tin Ukraine có thể xuất khẩu qua con đường thay thế các cảng truyền thống cũng tạo sức ép với lúa mì. Bên cạnh đó, triển vọng nguồn cung tại Nga cũng là thông tin gia tăng áp lực cạnh tranh tới giá CBOT. 

Giá lúa mì xuất khẩu của Nga giảm trong tuần trước, trong bối cảnh xuất khẩu tăng cao và dự báo sản lượng bội thu tại Nga. Giá FOB đối với lúa mì chứa 12,5% protein tại các cảng trên Biển Đen của Nga đạt 245 USD/tấn trong tuần trước, giảm so với mức 250 USD/tấn một tuần trước đó, dữ liệu của hãng tư vấn IKAR cho thấy. IKAR vào tuần trước đã nâng dự báo sản lượng lúa mì năm 2023 của Nga lên mức 89,5 triệu tấn, lần thứ 2 trong tháng 08.

Sáng nay ngày 22/8, trên thị trường nội địa, giá đậu tương Mỹ nhập khẩu về cảng Cái Lân được chào bán trong khoảng 12.950 – 13.000 đồng/kg đối với kỳ hạn giao 3 tháng cuối năm; giá ngô Nam Mỹ giao kỳ hạn quý IV dao động quanh mức 6.400 – 6.600 đồng/kg.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

 

Nguồn: Mxv