Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô tích cực với kỳ vọng Mỹ đang trên đà "hạ cánh mềm" (soft – landing), giá đồng đã được hưởng lợi trong phiên cuối tuần trước và phiên sáng đầu tuần.
Loạt dữ liệu kinh tế tích cực công bố vào cuối tuần trước đã giúp đẩy lùi lo ngại suy thoái tại Mỹ. Củng cố cho điều này, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết khả năng Mỹ rơi vào suy thoái là rất thấp.
Quan trọng hơn, lạm phát đã có dấu hiệu hạ nhiệt khi chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát ưa thích của Fed, tăng 3,8% trong tháng 6 (YoY), mức thấp nhất kể từ tháng 04/2021 và thấp hơn đáng kể so với mức 4,6% mà giới phân tích dự báo.
Do đó, dữ liệu chỉ số quản lý mua hàng (PMI) của Mỹ được Viện quản lý cung ứng (ISM) công bố tối nay sẽ làm rõ thêm sức khỏe nền kinh tế Mỹ. Nếu PMI tăng vượt dự báo, điều này sẽ cung cấp thêm bằng chứng củng cố cho kịch bản “hạ cánh mềm” tại Mỹ và hỗ trợ giá đồng.
Tuy vậy, tiêu thụ ở Trung Quốc vẫn là bài toán khó chưa có lời giải đối với các nhà đầu tư.
Dữ liệu từ trang tin Shanghai Metals Market (SMM) cho thấy tồn kho đồng tại Trung Quốc đã tăng sau khi giảm 7 tuần liên tiếp, cho thấy dấu hiệu tiêu thụ suy yếu. Cụ thể, tính đến ngày 30/06, tồn kho đồng trên các thị trường lớn của Trung Quốc ở mức 99.100 tấn, tăng 11.400 tấn so với ngày 26/06 và tăng 15.900 tấn so với ngày 21/06.
Do đó, nhiều khả năng triển vọng tiêu thụ yếu kém tại Trung Quốc sẽ tiếp tục là lực cản đối với đà tăng của giá đồng cho tới khi cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc được diễn ra vào tháng 7. Nhiều nhà đầu tư đang kỳ vọng Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục ban hành các chính sách kích thích kinh tế mới tại cuộc họp này. Theo đó, thị trường đồng có thể được hỗ trợ nếu những kỳ vọng này được xác nhận.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Nguồn: Mxv