Mở cửa phiên giao dịch ngày 31/10, giá đậu tương đã tạo gapup và lực mua vẫn đang tiếp tục áp đảo. Giá hiện đang tiến sát với mốc kháng cự tâm lí 1400, vùng đã đẩy đậu tương suy yếu liên tục trong hơn 1 tháng trước đó. Trong tuần này, với sự xuất hiện của các thông tin cơ bản mạnh cùng với sự kiện kinh tế, chúng tôi cho rằng xu hướng giằng co đi ngang của đậu tương sẽ kết thúc và khả năng giá phá vỡ vùng chặn trên của khoảng sideway sẽ cao hơn.

Theo USDA, Brazil đã xuất khẩu 92.1 triệu tấn đậu tương trong niên vụ 19/20, bắt đầu từ giai đoạn Mỹ - Trung kĩ thỏa thuận thương mại. Tuy nhiên, nguồn cung từ Brazil được đẩy mạnh sang Trung Quốc cũng không thể ngăn cản khối lượng xuất khẩu đậu tương kỷ lục mà Mỹ đạt được trong niên vụ 20/21. Triển vọng nhu cầu của Trung Quốc là yếu tố khó dự đoán nhưng lại đóng vai trò lớn trong việc xác định xu hướng dài hạn của giá đậu tương. Mặc dù nền kinh tế nước này đã chịu ảnh hưởng lớn do các đợt đóng cửa COVID-19 trong năm nay cùng với lạm phát toàn cầu, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy nhu cầu tiêu thụ đậu tương chậm lại. Thậm chí, đậu tương giao tháng 11 trên sàn giao dịch Đại Liên của Trung Quốc đang giao dịch gần mức cao nhất, tương đương 20.83 USD/giạ.

Mặc dù Brazil có thể sẽ là lựa chọn đầu tiên của Trung Quốc về đậu tương năm nay do mùa vụ dự báo kỉ lục, nhưng sẽ khó có thể ngay lập tức thay thế cho nguồn cung tại Mỹ, đặc biệt là giai đoạn mà Mỹ đang đẩy mạnh thu hoạch và bán hàng nhu hiện nay. Với bối cảnh tình hình hậu cần trên sông Mississippi sẽ được cải thiện nhờ lượng mưa xuất hiện trong tuần này, nhu cầu đối với đậu tương của Mỹ có khả năng vẫn sẽ duy trì cho tới đầu năm 2023 và giữ cho nguồn cung đậu tương của Mỹ ngày càng thắt chặt vào mùa hè. Chính vì thế nên theo đánh giá của chúng tôi, trong thời gian tới lực mua đang có nhiều động lực mạnh hơn đối với thị trường đậu tương.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

 

 

Nguồn: Mxv