Trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 5, lực bán áp đảo thị trường đồng do dữ liệu kinh tế yếu từ Trung Quốc tiếp tục làm mờ đi triển vọng tiêu thụ đồng.
Cụ thể, chỉ số quản trị mua hàng (PMI) sản xuất của Trung Quốc chỉ đạt 48,8 điểm trong tháng 5, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2022, dữ liệu Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố sáng nay. Con số này cũng thấp hơn mức 49,2 của tháng 4 và mức 51,4 mà giới phân tích dự báo. Hơn nữa NBS cho biết các ngành công nghiệp chế biến chế tạo và luyện kim loại màu phải đối mặt với sự sụt giảm đáng kể về sản lượng và nhu cầu.
Trong tháng trước, dữ liệu đã chỉ ra nhập khẩu của Trung Quốc giảm mạnh, giảm phát giá sản xuất tiếp tục đà giảm sâu, đầu tư bất động sản sụt giảm, lợi nhuận công nghiệp giảm và sản lượng nhà máy và doanh số bán lẻ đều không đạt dự báo.
Do đó, dữ liệu PMI sản xuất thu hẹp trong tháng 5 tiếp tục cho thấy nhu cầu tiêu dùng nội địa yếu kém và tốc độ phục hồi kinh tế còn khá mờ nhạt.
Điều này gián tiếp làm giảm triển vọng tiêu thụ các mặt hàng kim loại công nghiệp làm đầu vào cho hoạt động sản xuất, trong đó có đồng. Hơn nữa, Trung Quốc là nhà tiêu thụ đồng hàng đầu chiếm hơn 60% trong cơ cấu tiêu thụ đồng toàn cầu. Do đó, giá đồng có thể tiếp tục chịu sức ép trong phiên hôm nay.
Ngoài ra, dữ liệu cơ hội việc làm của Mỹ cũng sẽ được công bố tối nay. Nếu dữ liệu tăng vượt ước tính, số liệu lao động khởi sắc theo sau chỉ số niềm tin tiêu dùng tích cực của hôm qua có thể làm gia tăng áp lực lạm phát. Điều này làm tăng kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tiếp tục tăng lãi suất và củng cố sức mạnh đồng USD, làm giảm lực mua đồng.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Nguồn: Mxv