Thị trường kim loại quý chịu nhiều sức ép trong phiên sáng do đồng USD duy trì đà tăng.

Vào tối nay, loạt dữ liệu kinh tế quan trọng của Mỹ sẽ chi phối đáng kể đến đồng USD, bao gồm chỉ số quản lý mua hàng (PMI) sản xuất của Viện Quản lý Cung ứng (ISM), thay đổi việc làm phi nông nghiệp ADP và cơ hội việc làm của JOLTS.

Các dữ liệu gần đây cho thấy nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ bất chấp áp lực trong môi trường lãi suất cao, với tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sơ bộ quý III/2023 của Mỹ tăng 4,9% so với quý II, mức tăng hàng quý lớn nhất kể từ quý IV/2021. Trong khi đó, báo cáo sơ bộ của S&P Global tuần trước cũng cho thấy sự mở rộng trong hoạt động kinh doanh của Mỹ trong tháng 10, với PMI sản xuất và dịch vụ đều nằm trên ngưỡng 50 điểm và tích cực hơn so với dự báo. Thêm vào đó, số đơn trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong nhiều tuần trở lại đây có xu hướng hạ nhiệt. 

Do vậy, nhiều khả năng các dữ liệu tối nay cũng sẽ tích cực, phản ánh bức tranh lạc quan của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đồng USD có thể sẽ được hưởng lợi, gây sức ép lên giá bạc và bạch kim.

Đáng chú ý, tâm điểm thị trường hôm nay sẽ hướng về quyết định lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Nếu FED quyết định giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp lần này, điều này sẽ không gây bất ngờ tới thị trường vì kịch bản này đã được dự báo từ trước. Thay vào đó, nếu quan chức FED cho thấy bất kỳ tín hiệu “diều hâu” nào, thị trường kim loại quý có thể phải chịu sức ép.

Đối với giá đồng, số liệu sản xuất yếu kém tại Trung Quốc đã khiến giá đồng gặp áp lực ngay từ phiên sáng. Chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất Caixin Trung Quốc đạt 49,5 điểm trong tháng 10, thấp hơn 1,3 điểm so với dự báo và thu hẹp từ mức 50,6 điểm ghi nhận trong tháng 9. Hơn nữa, trong phiên tối, nếu số liệu kinh tế Mỹ tích cực, đồng USD có thể tiếp tục mạnh lên và gây sức ép lên giá.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Nguồn: Mxv