Sau khi suy yếu trong hai phiên trước đó, giá ngô mở cửa phiên sáng nay trong sắc xanh và lực mua vẫn đang tạm chiếm ưu thế hơn. Như chúng tôi đã phân tích trước đó, xu hướng chung của thị trường ngô  trong tuần này vẫn sẽ khá giằng co. Dù vậy, giá có khả năng hồi phục nhẹ trong hôm nay trước những lo ngại về nguồn cung Nam Mỹ.

Báo cáo Giao hàng Xuất khẩu (Export Inspections) tối qua cho thấy, khối lượng giao hàng ngô niên vụ 23/24 của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 7/12 đã sụt giảm gần 40% so với báo cáo trước đó. Nguyên nhân là do tình hình xuất khẩu ngũ cốc của nước này đang bị trì hoãn bởi hạn hán ở kênh đào Panama. Đây vốn là tuyến đường quan trọng đối với nông dân Mỹ khi giúp rút ngắn thời gian vận chuyển cho khoảng 40% tổng lượng ngô xuất khẩu của nước này từ vùng Vịnh Hoa Kỳ đến các nhà nhập khẩu lớn ở Đông Á.

Giới phân tích cho rằng các hạn chế do mực nước thấp gây ra có thể kéo dài tới tháng 4 và tháng 5 năm sau, khi mùa mưa bắt đầu. Hoạt động vận tải trong giai đoạn xuất khẩu nông sản cao điểm của Mỹ  bị trì trễ sẽ khiến chi phí bị đẩy lên cao. Điều này sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến mức độ cạnh tranh của ngô Mỹ so với nguồn cung giá rẻ từ Brazil, và tạo áp lực tới giá CBOT.

Ngược lại, nông dân Brazil vẫn còn nhiều lo ngại về tình trạng khô hạn có thể làm giảm tiềm năng năng suất và sản lượng của các loại cây trồng. Imea cho biết, tính tới cuối tháng 11 tốc độ bán ngô vụ 2 của nước này mới chỉ đạt 15,59% sản lượng dự kiến, so với mức 40% trung bình lịch sử. Ngoài ra, Imea cũng dự báo sản lượng ngô vụ 2 của bang Mato Grosso sẽ giảm xuống 16,7% so với niên vụ trước. Sự kéo dài của vụ đậu tương đang đe dọa tới triển vọng dài hạn của vụ ngô thứ 2 của Brazil, đồng thời ảnh hưởng tới nguồn cung ngắn hạn khi nông dân thận trọng trong việc bán hàng. Đây sẽ là yếu tố hỗ trợ tới giá ngô trong phiên hôm nay.

Trong bối cảnh thị trường còn nhiều lo ngại về triển vọng nguồn cung ở Brazil, giá ngô có khả năng lấy lại được sắc xanh trong phiên hôm nay. Tuy nhiên, đà tăng có thể bị thu hẹp ở vùng 495 do tình hình xuất khẩu kém khả quan tại Mỹ.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Nguồn: Mxv