Lực mua tiếp tục được thúc đẩy trên thị trường đồng trong sáng ngày giao dịch hôm nay và nhiều khả năng, đà tăng sẽ duy trì, được hỗ trợ bởi các yếu tố vĩ mô và một số dấu hiệu nới lỏng trong chính sách Zero-Covid của Trung Quốc.

Các nhà đầu tư tiếp tục hấp thụ tin tức về bức tranh lạm phát hạ nhiệt của Mỹ trong tháng 10 có thể sẽ khiến Fed cân nhắc giảm tốc quá trình thắt chặt tiền tệ, và đỉnh lãi suất nhiều khả năng sẽ không cao hơn mức 5% như thị trường đang suy đoán. Lãi suất tiếp tục tăng, vẫn sẽ gây ra áp lực cho nền kinh tế và từ đó, gây áp lực tới nhu cầu nguyên vật liệu đầu vào. Tuy nhiên, các mức tăng nhỏ sẽ giúp thị trường dần có thời gian thích nghi, sẽ là tin tức tích cực hơn cho thị trường đồng so với giai đoạn trước.

Trong khi lạm phát tại Mỹ hạ nhiệt trong tháng 10, thì lạm phát tại khu vực châu Âu vẫn đang rất cao. Chỉ số giá tiêu dùng CPI của Đức tăng 10.4% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất kể từ năm 1990. Điều này có thể khiến Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) mạnh tay tăng lãi suất hơn nữa nhằm kiểm soát lạm phát, trong khi Fed có thể tăng lãi suất chậm lại. Sức mạnh của Đồng Dollar Mỹ vì vậy có thể suy yếu khi đồng Euro mạnh hơn, và là yếu tố “bullish” đối với giá đồng do chi phí nắm giữ vật chất bớt đắt đỏ hơn.

Trong khi đó, Trung Quốc đang có các dấu hiệu của việc nới lỏng dần chính sách Zero-Covid, bất chấp việc các ca nhiễm Covid-19 liên tục gia tăng, cho thấy mong muốn tìm kiếm các động lực khôi phục kinh tế. Mới đây, Trung Quốc đã giảm lượng thời gian cách ly đối với các du khách đến Trung Quốc từ 10 ngày xuống còn 8 ngày và nới lỏng quy định hơn đối với những người tiếp xúc gần. Hy vọng về việc dần mở cửa trở lại sẽ là yếu tố tâm lý tích cực cho các nhà đầu tư nhìn nhận về bức tranh tiêu thụ kim loại đồng, từ đó hỗ trợ cho giá.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

 

 

Nguồn: Mxv