Mở cửa phiên giao dịch ngày 25/05, giá ngô chỉ diễn biến giằng co quanh mức tham chiếu. Thị trường ngô đã trải qua 3 phiên hồi phục mạnh liên tiếp và chủ yếu nhờ có lực mua kĩ thuật khi mô hình giá xuất hiện tín hiệu phân kì với RSI. Động lực giảm yếu dần sau chuỗi lao dốc liên tiếp tuần trước đã dẫn tới nhịp điều chỉnh gần đây. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng đà tăng này sẽ sớm kết thúc, khi giá tiến sát gần vùng kháng cự tâm lí 600 và trong bối cảnh các yếu tố cơ bản về cung cầu ngô toàn cầu vẫn đang thiên về tác động “bearish”.
Trong báo cáo tối qua của EIA, sản lượng ethanol hàng tuần đã giảm nhẹ và là tuần thứ 5 liên tiếp đạt dưới mức 1 triệu thùng/ngày. Điều này phản ánh nhu cầu ngô trong ngành công nghiệp ethanol tại Mỹ vẫn đang duy trì ở mức thấp. Đây có thể sẽ là dấu hiệu cho thấy USDA sẽ điều chỉnh khối lượng ngô tiêu thụ nội địa trong báo cáo Cung – cầu sắp tới.
Không những thế, hoạt động xuất khẩu ngô của Mỹ cũng đang gặp phải khó khăn khi không chỉ chịu áp lực đến từ nguồn cung thay thế là Brazil mà còn bị cạnh tranh bởi các mặt hàng nông sản khác. Cụ thể, lượng lúa mì dồi dào với giá rẻ ở Trung Quốc đang được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường thức ăn chăn nuôi nội địa nước này, làm giảm lượng ngô được sử dụng và có khả năng làm giảm nhu cầu nhập khẩu ngô của Trung Quốc. Việc Trung Quốc chuyển sang sử dụng lúa mì nhiều hơn diễn ra vào thời điểm tồi tệ đối với Brazil và Mỹ - những nhà xuất khẩu ngô và đậu tương lớn nhất thế giới. Trung Quốc cũng đã hủy mua hơn 800.000 tấn ngô Mỹ thời gian gần đây do người mua chờ đợi các lựa chọn rẻ hơn vào cuối năm nay. Trung Quốc, nhà sản xuất lúa mì hàng đầu thế giới, đã bắt đầu thu hoạch vụ mùa được cho là bội thu trong tháng này. Tuy nhiên, nước này cũng đã nhập khẩu lượng lúa mì kỷ lục, đặc biệt là Australia. Đây cũng sẽ là thông tin cho thấy xuất khẩu của Mỹ sẽ kém hơn trong giai đoạn tới.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Nguồn: Mxv