Giá lúa mì đang hồi phục trở lại khi mở cửa sáng nay sau phiên giảm kịch sàn ngày hôm qua. Mặc dù giới hạn giá của mặt hàng này đã thu hẹp hơn nhưng thị trường cũng đã chứng kiến những biến động đột ngột và mạnh mẽ này vào giai đoạn đầu tháng 3.

Đây là giai đoạn chiến tranh vừa bắt đầu và các vấn đề về nguồn cung toàn cầu bị gián đoạn kéo theo sau đó. Ngược lại, những dấu hiệu cho thấy triển vọng xuất khẩu đang dần được cải thiện khi Nga thiết lập hành lang nhân đạo lại là yếu tố đang tạo áp lực rất lớn đến giá trong ngắn hạn. Như chúng tôi đã phân tích trong bản tin đầu tuần, không chỉ ở Biển Đen, nguồn cung ở các nước xuất khẩu lớn khác như Ấn Độ cũng đang dần nới lỏng, và giảm bớt áp lực cho các nước mua hàng.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư hoặc các công ty nhập khẩu lúa mì cũng nên cần chú ý tới một số yếu tố “bullish” tiềm ẩn có thể ảnh hưởng tới giá trong trung hạn. Một điểm khác giữa lúa mì và 2 mặt hàng nông sản chính còn lại là ngô và đậu tương là về sự phân chia nguồn cung. Nếu như ngô và đậu tương sẽ phụ thuộc chủ yếu vào 3 quốc gia châu Mỹ thì cơ cấu xuất khẩu lúa mì lại có sự phân mảnh hơn. Chính vì thế nên việc xác định các yếu tố ảnh hưởng tới giá lúa mì sẽ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố hơn.

Hiện tại, 2 quốc gia sản xuất chính trên thế giới đang ở trong giai đoạn gieo trồng là Mỹ và Úc. Đối với Mỹ, hoạt động gieo trồng lúa mì vụ xuân vẫn đang bị chậm trễ, trong khi chất lượng vụ đông cũng đang ở mức thấp hơn nhiều so với các niên vụ trước đó do ảnh hưởng của hạn hán ở đồng bằng phía nam. Còn đối với lúa mì Úc, diện tích năm nay dược dự báo sẽ tăng nhẹ nhưng ước tính sản lượng vẫn thấp hơn niên vụ trước 10% do gieo trồng muộn, điều kiện thời tiết quá ẩm ướt và chi phí các loại nguyên liệu đầu vào chính (phân bón, hóa chất và dầu diesel) tăng mạnh.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Nguồn: Mxv