Mở cửa phiên giao dịch ngày 24/06, giá đậu tương tiếp tục duy trì đà giảm sau khi rơi mạnh và mất đi hỗ trợ 1600. Hiện tại, giá đậu tương đã rơi khỏi đường trenline được tạo bởi 2 đáy liên tiếp trước đó và nếu hôm nay đà giảm vẫn kéo dài thì khả năng xu hướng giảm từ nay cho tới vài tháng tiếp theo sẽ được xác nhận. Triển vọng nguồn cung đang dần ổn định hơn càng củng cố cho xu hướng giá thường lập đỉnh vào quý II và hạ nhiệt hơn vào cuối năm của đậu tương CBOT.

Bên cạnh Mỹ, tình hình tại 2 quốc gia sản xuất lớn khác ở Nam Mỹ cũng đang khá lạc quan. Hoạt động thu hoạch đậu tương tại Argentina đã hoàn thành trong tuần trước với ước tính sản lượng mà BAGE đưa ra là 43.3 triệu tấn. Còn tại Brazil, con số xuất khẩu cũng được các hãng tin và tổ chức lớn nâng dự báo. Chính vì thế, xét về nguồn cung, các yếu tố đang ảnh hưởng tới giá đậu tương đều đang thiên về tác động “bearish”.

Không những mùa vụ tại Mỹ đang dần ổn định hơn nhờ dự báo mưa sẽ xuất hiện trong cuối tuần này tại các khu vực trung tâm của Midwest mà nhu cầu suy yếu cũng dự báo về mức tồn kho cao hơn trong báo cáo sắp tới của USDA. Cụ thể, trong suốt vài tuần vừa qua, các đơn hàng Daily Export Sales với khối lượng lớn gần như không xuất hiện, thậm chí còn có thông báo huỷ đơn hàng. Chính vì thế, trong báo cáo tối nay, thị trường cũng đang kì vọng rằng bán hàng đậu tương niên vụ 21/22 của Mỹ sẽ thấp hơn so với mức 300,000 trong tuần trước. Quốc gia nhập khẩu đậu tương lớn nhất từ Mỹ là Trung Quốc cũng đang dư thừa khô và dầu đậu. Theo thông báo từ chính phủ nước này, tồn kho khô đậu nội địa đã tăng mạnh trong vài tháng qua và với triển vọng phục hồi kinh tế chậm hơn thì nhập khẩu đậu tương có thể vẫn sẽ duy trì ở mức thấp trong giai đoạn tới. 

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Nguồn: Mxv