Mở cửa phiên giao dịch ngày 09/02, lúa mì đang là mặt hàng nông sản duy nhất tăng giá. Lực mua được đẩy mạnh từ phiên hôm qua khi giá được hỗ trợ và bật tăng từ vùng chặn dưới của khoảng biến động đi ngang. Báo cáo Cung – cầu tháng 2 được Bộ nông nghiệp Mỹ phát hành vào tối qua chỉ tác động trung lập đến giá lúa mì và không mang đến nhiều thay đổi đáng chú ý về triển vọng cung cầu của mặt hàng này. Đây cũng chính là lí do mà chúng tôi cho rằng, xu hướng sideway của lúa mì vẫn sẽ tiếp tục trong vài phiên tới. 

Lúa mì không là mặt hàng quan trọng được chú ý trong báo cáo tháng 2 do đây không phải giai đoạn mà cây trồng phát triển dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Mùa vụ ở các nước sản xuất lớn hầu hết đều trong giai đoạn ngủ đông và chưa có mối lo ngại hay rủi ro đáng kể nào. Chính vì thế nên triển vọng dài hạn về nhu cầu hay chính sách sản xuất, thuế của các nước sẽ là những thông tin có ảnh hưởng xuất hiện nhiều hơn.

Đại diện của Cơ quan Cung ứng Mùa vụ của chính phủ Brazil (CONAB) cho biết, trong những năm gần đây, nước này đã giảm sự phụ thuộc vào lúa mì nhập khẩu và thậm chí là mở rộng hoạt động xuất khẩu mặt hàng này. Theo ước tính của CONAB, Brazil sẽ nhập khẩu 5.8 triệu tấn lúa mì trong niên vụ 22/23, trong khi xuất khẩu được dự báo ở mức 3.1 triệu tấn. Tuy vẫn chưa thể tự cung tự cấp lúa mì, nhưng CONAB đánh giá Brazil đang tiến đến rất gần mục tiêu này. Với việc chính phủ khuyến khích mở rộng diện tích trồng trọt để đối phó với tình trạng nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt do chiến tranh tại Ukraine, bang Rio Grande do Sul đã thu hoạch mức kỷ lục 5.7 triệu tấn lúa mì trong năm 2022, đóng góp hơn một nửa vào tổng sản lượng lúa mì của cả nước. Mặc dù vẫn còn vài tháng nữa hoạt động gieo trồng cho vụ thu hoạch năm nay mới bắt đầu, nhưng sản lượng lúa mì cho niên vụ 23/24 của Brazil được dự báo sẽ tiếp tục ở mức cao.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

 

 

Nguồn: Mxv