Mặc dù báo cáo mới đây cho thấy rằng tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ trong quý III tích cực hơn dự báo với mức tăng 2.6% so với quý trước đó, mức tăng sau 2 quý giảm liên tiếp tiếp. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ hơn vào bức tranh tăng trưởng này, có thể thấy rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới đang có dấu hiệu chịu áp lực trong bối cảnh lãi suất cao.

Thâm hụt thương mại thu hẹp mạnh do nhu cầu chậm lại đã kìm hãm lượng hàng hóa nhập khẩu. Xuất khẩu ròng do đó tăng lên đã cộng thêm 2.77 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP, cao nhất kể từ quý III năm 1980. Đầu tư vào nhà ở dân cư lao dốc với tốc độ hàng năm khoảng 26% trong bối cảnh lãi suất thế chấp đang ở ngưỡng cao nhất trong vòng 2 thập kỷ. Trong khi đó, lĩnh vực xây dựng chiếm tới 43% nhu cầu về đồng tại Mỹ. Chi tiêu tiêu dùng, động lực lớn nhất của nền kinh tế, đã tăng 1.4% so với quý trước, ghi nhận 3 quý tăng trưởng kém hiệu quả nhất kể từ khi nhu cầu sụt giảm vào đầu năm 2020.

Trong khi đó, tại nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới, Trung Quốc, mới đây, các chuyên gia kinh tế của Bloomberg tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng của quốc gia này so với cuộc khảo sát trước trong bối cảnh chính sách Zero- Covid sẽ còn được áp dụng nghiêm ngặt và lĩnh vực bất động sản chịu nhiều tổn thất. Cụ thể, tăng trưởng trong năm, nay đã được điều chính giảm từ mức 3.4% xuống 3.3%, trong khi con số này trong năm 2023 điều chỉnh giảm từ mức 5.1% xuống 4.9% và năm 2024 giảm từ 5% xuống 4.8%.

Trong khi đó, tại khu vực châu Âu, việc tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản lần thứ 2 liên tiếp đang gây áp lực hơn nữa đối với 19 quốc gia này. Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết ít nhất một nửa trong số 19 quốc gia sử dụng đồng euro đang rơi vào tình trạng suy thoái.

Như vậy, kim loại đồng, vốn được coi là thước đo sức khỏe của nền kinh tế đang phải chứng kiến các quốc gia hàng đầu trên thế giới vật lộn với tăng trưởng. Do đó, giá đồng vẫn sẽ khó có thể lấy lại động lực tăng trong ngắn hạn.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

 

 

Nguồn: Mxv