Lực mua tích cực quay trở lại thị trường hàng hoá đã hỗ trợ chỉ số MXV- Index tăng 0,71% lên 2.450 điểm, kết thúc chuỗi giảm 4 phiên liên tiếp trước đó. Cùng với đó, dòng tiền đầu tư cũng dần gia tăng trở lại, sau khi một số mặt hàng tạm dừng giao dịch để nghỉ Lễ trong tuần trước. Đóng cửa hôm qua, giá trị giao dịch toàn Sở tăng hơn 9%, đạt mức trên 4.700 tỷ đồng.

Nhóm kim loại dẫn dắt đà tăng của thị trường với 9 trên tổng số 10 mặt hàng kết thúc ngày giao dịch hôm qua trong sắc xanh. Nhóm kim loại quý đón nhận lực mua trong ngày mà thị trường đang kỳ vọng Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ đưa ra một vài tín hiệu tích cực về chính sách tiền tệ trong phát biểu lần này. Chốt phiên, giá bạc kỳ hạn tháng 12 trên Sở COMEX tăng mạnh gần 1,4% lên 21,2 USD/ounce, giá bạch kim kỳ hạn tháng 01 năm sau trên Sở NYMEX cũng tăng 0,93% lên 1.008,6 USD/ounce. Nhóm kim loại cơ bản cũng ghi nhận các mức tăng rất mạnh. Trên Sở Giao dịch Kim loại LME, giá niken tăng vọt gần 4,8%, giá thiếc tăng 1,94%.

Còn trên Sở Singapore, hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 12 cũng tăng gần 2,7% lên 100,78 USD/tấn. Giá sắt tăng mạnh trọng bối cảnh thị trường kỳ vọng các nhà chức trách Trung Quốc sẽ nới lỏng chính sách “Không Covid” đồng thời có biện pháp để hạn chế ảnh hưởng của dịch bệnh lên nền kinh tế. Là mặt hàng rất nhạy cảm với các kỳ vọng phục hồi của nền kinh tế thứ hai thế giới, động lực bứt phá của quặng sắt càng trở nên mạnh mẽ trong ngày hôm qua, đưa giá lên vùng cao nhất gần 2 tuần.

Thêm vào đó, Trung Quốc cũng đang tìm cách hỗ trợ ngành bất động sản, một mũi nhọn quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, mà so với các kim loại khác, sắt sẽ được tiêu thụ nhiều nhất nếu ngành này hồi phục. Do đó giá sắt càng được thúc đẩy mạnh mẽ.

Một yếu tố khác hỗ trợ giá quặng sắt phải kể đến lo ngại rằng nguồn cung sẽ không đủ đáp ứng nhu cầu khi mà các chính sách hỗ trợ bắt đầu có hiệu lực. Lượng dự trữ tại cảng của Trung Quốc hiện là 138 triệu tấn, thấp hơn so với mức 150,9 triệu tấn của năm ngoái. Tồn kho quặng sắt thường tăng vào mùa đông do các nhà máy thép tích trữ trước giai đoạn nhu cầu cao điểm vào mùa xuân.

Trên thị trường nội địa, theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, nước ta tiếp tục nhập siêu 364.000 tấn sắt thép các loại kể từ đầu tháng 11 đến hết ngày 15/11. Trong đó, xuất khẩu giảm nhẹ 7,8% so với nửa đầu tháng 10, xuống mức 208.000 tấn, trong khi nhập khẩu tăng khá mạnh gần 29% lên mức hơn 572.000 tấn. Như vậy, luỹ kế từ đầu năm cho tới hết ngày 15/11, Việt Nam đã nhập siêu hơn 3,1 triệu tấn sắt thép các loại. Trong khi đó, cùng kỳ năm ngoái nước ta xuất siêu hơn 700.000 tấn.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

 

Nguồn: Mxv