Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đóng cửa ngày giao dịch hôm qua (29/6) với diễn biến giá phân hoá. Lực bán có phần chiếm ưu thế kéo chỉ số MXV-Index tiếp tục suy yếu 0,25%, chốt ở mức 2.146 điểm. Tuy nhiên, giá trị giao dịch toàn Sở vẫn tăng gần 20%, đạt trên 5.800 tỷ đồng.

Tâm điểm chú ý của thị trường trong ngày hôm qua hướng đến các dữ liệu kinh tế của Mỹ. Tín hiệu tăng trưởng tích cực của quốc gia này đã thúc đẩy đồng USD và lợi suất trái phiếu tăng mạnh, từ đó tác động trái chiều lên giá kim loại và năng lượng. 

Cụ thể, giá dầu thô tiếp tục phục hồi nhẹ nhờ kỳ vọng tiêu thụ nhiên liệu gia tăng, củng cố lực mua đối với mặt hàng này. Trong khi đó, áp lực chi phí đầu tư và giao dịch đã làm suy yếu giá kim loại.

Ngày hôm qua, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong Quý I/2023 bất ngờ được điều chỉnh tăng 2% so với quý trước đó, cao hơn đáng kể so với con số 0,7% trong báo cáo sơ bộ.

Bên cạnh đó, trên thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu của Mỹ giảm 26 nghìn xuống mức 239 nghìn trong tuần kết thúc vừa qua, sau 6 tuần tăng liên tiếp 

Đóng cửa, cả kim loại cơ bản và kim loại quý đều nối dài đà giảm. Trong đó, giá bạch kim giảm phiên thứ ba liên tiếp với mức giảm 1,96%, chốt ở 906,8 USD/ounce.  Giá đồng COMEX thậm chí đã nối dài đà giảm sang phiên thứ sáu liên tiếp, đánh dấu chuỗi giảm giá dài nhất của mặt hàng này kể từ tháng 4 cho đến nay. Giá quặng sắt hiện cũng cho thấy tín hiệu suy yếu sau 3 tuần tăng giá liên tiếp.

Hãng tin Reuters vào hôm qua đã đưa ra dự báo xuất khẩu thép của Trung Quốc sẽ tăng mạnh trong năm nay do tiêu thụ nội địa sụt giảm. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu thép của Trung Quốc dự kiến sẽ đạt 77 triệu tấn trong năm nay, mức cao nhất kể từ năm 2016. Trung Quốc hiện là quốc gia mua hơn 70% tổng khối lượng quặng sắt và sản xuất hơn một nửa lượng thép của thế giới.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

 

Nguồn: Mxv