Lực mua chiếm ưu thế trên thị trường hàng hoá hỗ trợ chỉ số MXV- Index tiếp tục tăng 0,86% lên 2.281 điểm. Như vậy, giá hàng hoá nguyên liệu thế giới đang ở trong xu hướng hồi phục tương đối rõ ràng, khi mà chỉ số hàng hoá này đã tăng đến 6 phiên, trên tổng số 7 phiên giao dịch gần nhất. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt mức 3.500 tỷ đồng.
Thị trường nông sản đón nhận lực mua rất tích cực. Trong đó, 3 mặt hàng nhóm đậu tương đồng loạt ghi nhận phiên tăng giá thứ 3 liên tiếp. Khô đậu tương dẫn dắt xu hướng với mức tăng mạnh gần 2,7%. Theo sau đó, giá đậu tương cũng đã đóng cửa tăng 1,77%, dầu đậu tương tăng hơn 0,9%. Ngược lại, giá ngô chốt ngày hôm qua suy yếu nhẹ, sau khi tăng lên mức cao nhất 1 tháng trong phiên trước đó.
Trong báo cáo tuần này, Hiệp hội Các nhà Xuất khẩu Ngũ cốc Brazil (ANEC) đã cắt giảm dự báo xuất khẩu đậu tương trong tháng 03 của Brazil xuống còn 15,1 triệu tấn, từ mức 15,3 triệu tấn trong dự đoán trước. Con số này vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, Theo Ban Thư ký Ngoại thương Brazil (Secex), xuất khẩu đậu tương của nước này trong tháng 03 có thể sẽ không cao như vậy.
Cụ thể, trong 4 tuần đầu tháng 03 Brazil đã xuất khẩu được 9,9 triệu tấn đậu tương với trung bình 554,8 nghìn tấn mỗi ngày. Nếu mức trung bình hằng ngày hiện tại được duy trì đến hết tháng, Brazil sẽ kết thúc tháng 03 với chỉ khoảng 12,76 triệu tấn đậu tương xuất khẩu. Điều này cho thấy nhu cầu đối với đậu tương Brazil không mạnh như dự báo; từ đó giảm bớt sức ép cạnh tranh lên giá đậu tương Chicago.
Hai thành phẩm từ đậu tương là khô đậu và dầu đậu cũng đón nhận các dữ liệu hỗ trợ tích cực. Báo cáo cũng vừa hạ dự báo xuất khẩu khô đậu tương trong tháng này của Brazil xuống còn 1,7 triệu tấn. Thông tin trên đã thúc đẩy lực mua rất mạnh đối với khô đậu trong hôm qua.
Trong khi đó, dầu đậu tương tiếp tục duy trì đà tăng, một phần do ảnh hưởng của diễn biến dầu cọ. Theo MXV, thị trường hiện đang kỳ vọng tồn kho dầu cọ cuối tháng 03 của Malaysia sẽ giảm về dưới 2 triệu tấn, do xuất khẩu tăng nhưng sản lượng hạn chế. Tình trạng này dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài tới hết tháng 04, khi mà các chính sách hạn chế xuất khẩu của Indonesia kết thúc. Đây là những thông tin đã hỗ trợ giá dầu cọ, từ đó tác động kéo theo đà tăng của giá dầu đậu tương.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay, giá chào bán ngô Nam Mỹ về Việt Nam đối với các kỳ hạn giao quý II năm nay tại cảng Cái Lân duy trì trong khoảng 7.800 – 8.300 đồng/kg. Trong khi đó, giá chào tại cảng Vũng Tàu thấp hơn một chút, dao động ở mức 7.700 – 8.150 đồng/kg. Còn khô đậu tương Nam Mỹ được điều chỉnh tăng lên mức 13.600 – 13.850 đồng/kg. Mặc dù giá giao dịch tại thị trường nội địa đã tăng nhẹ trong 3 ngày gần đây, tuy nhiên giá khô đậu nhập khẩu vẫn đang thấp hơn khoảng 1.100 – 1.450 đồng/kg so với hồi đầu tháng 03, đây là tín hiệu tích cực đối với các doanh nghiệp chăn nuôi và sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước khi mà giá nguyên liệu đầu vào hạ nhiệt.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Nguồn: Mxv