Đóng cửa ngày giao dịch đầu tuần, thị trường hàng hoá bất ngờ đảo chiều giảm mạnh ở hầu hết các mặt hàng chủ chốt, khiến chỉ số MXV- Index giảm sâu gần 3% xuống 2.952 điểm. Trong suốt 2 tuần qua, thị trường có các phiên tăng, giảm xen kẽ, cho thấy đây là giai đoạn biến động thất thường của giá hàng hóa.

Tuy nhiên, đối với các nhà đầu tư, việc giao dịch hàng hóa là giao dịch T0, lại có thể mua – bán 2 chiều, nên việc giá biến động mạnh lại càng giúp dòng tiền đổ vào thị trường nhiều hơn. Giá trị giao dịch toàn Sở trong ngày hôm qua đạt 4.500 tỷ đồng, trong đó nhóm nông sản vẫn dành được nhiều sự quan tâm.

Trên Sở Chicago, tất cả các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu đồng loạt quay đầu giảm. Giai đoạn gần đây, lúa mì liên tục là mặt hàng có biến động mạnh nhất và có vai trò dẫn dắt xu hướng của nhóm nông sản. Chốt phiên hôm qua, lúa mì Chicago giảm hơn 4% xuống còn 388 USD/tấn. Ba mặt hàng nhóm đậu tương bao gồm đậu tương, khô đậu tương và dầu đậu tương giảm còn lần lượt 611 USD/tấn, 527 USD/tấn và 1.597 USD/tấn. Trong khi đó, giá ngô chỉ giảm chưa đến 1% xuống dưới 295 USD/tấn.

Giá lúa mì giảm mạnh trong ngày hôm qua sau một loạt thông tin tích cực liên quan tới nguồn cung được cải thiện và phần nào sẽ bù đắp sự thiếu hụt từ khu vực biển Đen. Mới đây, chính phủ Pháp vừa tuyên bố sẽ đáp ứng được đầy đủ nhu cầu lúa mì của Ai Cập trong những tháng tới. Đây là tin tức đặc biệt quan trọng tác động lên giá lúa mì do Ai Cập là nước nhập khẩu lúa mì lớn nhất trên thế giới. Xung đột Nga – Ukraine đã làm chao đảo thị trường ngũ cốc do nguồn cung tại biển Đen và buộc Ai Cập phải gấp rút tìm kiếm nhà cung cấp thay thế. Cam kết từ Pháp không chỉ giải toả được nhu cầu của Ai Cập mà củng cố tâm lý thị trường, kiềm chế đà tăng rất mạnh trước đó của giá nông sản.

Bên cạnh đó, theo thông tin từ Liên hiệp Ngũ cốc Nga, nước này đã xuất khẩu tổng cộng 34,7 triệu tấn ngũ cốc trong đó lúa mì chiếm 30,3 triệu tấn kể từ đầu niên vụ đến hết ngày 27/03. Trong riêng tháng 3, xuất khẩu lúa mì Nga đã đạt 1,6 triệu tấn và còn khoảng 4,7 triệu tấn để xuất khẩu đến hết tháng 6. Những con số trên cho thấy nguồn cung từ Nga không đến mức quá tiêu cực như những lo ngại trước đó. Vẫn có những hợp đồng được xuất khẩu, nên phần nào thị trường cũng đã yên tâm hơn sau các tin tức này.

Trên thị trường nội địa, giá lúa mì Úc nhập khẩu tại cảng Cái Lân đang được giao dịch trong khoảng từ 9.400 đến 10.300 đồng/kg đối với hàng giao tháng 4, 5 , 6, giảm mạnh 400 đồng/kg. Đây là tín hiệu tích cực hơn đối với các nhà máy xay xát bột mì và sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước, sau giai đoạn bão giá hồi đầu tháng 3.

Giá nguyên liệu đầu vào giảm, trong khi sản phẩm đầu ra của ngành chăn nuôi là giá heo đang có chiều hướng tăng lên, đang giao dịch trong khoảng 52.000 – 57.000 đồng/kg. Ngoại trừ khu vực miền Bắc, giá heo hôm nay tại miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam đều tăng từ 1.000 - 2.000 đồng/kg.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam

 

 

Nguồn: Mxv