Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới tiếp tục suy yếu trong tuần qua, thể hiện ở mức giảm 1,1% của chỉ số MXV-Index, xuống còn 2.325 điểm, mức thấp nhất từ đầu năm 2022. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt trung bình hơn 3.300 tỷ đồng mỗi phiên, trong đó dòng tiền vẫn tập trung vào các mặt hàng có biến động lớn, đặc biệt là nhóm nông sản.
Những diễn biến đáng chú ý trong tuần qua tập trung ở nhóm kim loại với 8 trên 10 mặt hàng đồng loạt đóng cửa trong sắc đỏ, trong đó có nhiều mặt hàng ghi nhận đà suy yếu mạnh. Giá niken LME giảm mạnh 4,8% về mức 24.554 USD/ounce. Đáng chú ý, giá bạc kỳ hạn tháng 03 trên Sở COMEX lao dốc gần 4,2% về 20,8 USD/ounce, và là mức thấp nhất trong gần 4 tháng. Giá đồng cùng kỳ hạn cũng đã chốt tuần với mức giảm trên 3,8%.
Bên cạnh áp lực từ yếu tố vĩ mô với lo ngại lãi suất tăng cao, nhu cầu suy yếu tại các quốc gia tiêu thụ hàng đầu như Mỹ và Trung Quốc cũng tiếp tục khiến giá kim loại gặp áp lực. Theo dữ liệu từ Bộ Thương mại Mỹ, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý IV của Mỹ giảm xuống 2,7% so với quý trước trong bối cảnh tiêu dùng suy yếu, điều này đã khiến triển vọng tiêu thụ các mặt hàng suy giảm.
Còn tại Trung Quốc, nhu cầu cũng chưa có sự cải thiện đáng kể, với mức tiêu thụ đồng dự kiến sẽ không tăng cho đến tháng sau hoặc tới quý II. Trên Sở Giao dịch Thượng Hải, tồn kho đồng tiếp tục tích lũy lên mức cao nhất kể từ tháng 06/2021, tồn kho nhôm và quặng sắt cũng tăng với nguồn cung dồi dào và ổn định, là yếu tố hạn chế lực mua đối với các kim loại này trong tuần qua.
Tương tự với xu hướng giảm mạnh trên thị trường kim loại, lực bán cũng hoàn toàn áp đảo đối với nhóm nông sản. Ngoại trừ Khô đậu tương, tất cả các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu được niêm yết trên Sở Chicago đồng loạt ghi nhận các mức giảm mạnh trong tuần vừa qua. Cụ thể, giá lúa mì Chicago dẫn đầu đà giảm của toàn thị trường khi giảm tới 7,5% xuống chỉ còn hơn 260 USD/tấn. Tương tự, giá ngô cũng giảm hơn 4% xuống dưới 256 USD/tấn.
Cả 2 mặt hàng chịu sức ép rất mạnh trước triển vọng nguồn cung dồi dào tại Mỹ, quốc gia cung ứng hàng đầu thế giới. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ USDA, diện tích gieo trồng ngô và lúa mì của nước này trong năm 2023 dự kiến sẽ tăng lần lượt 2,7% và 8,3%. Điều này kéo theo sản lượng có thể gia tăng mạnh và là nguyên nhân chính khiến giá hai mặt hàng này sụt giảm rất sâu trong tuần. Giá thế giới giảm dự kiến sẽ khiến giá ngô nhập khẩu về thị trường Việt Nam giảm từ 2 – 3 USD/tấn trong đầu tuần này.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay, giá chào bán khô đậu tương Mỹ tại Cảng Cái Lân giảm về mức 15.550 đồng/kg đối với kỳ hạn giao tháng 03; đối với kỳ hạn giao các tháng quý II, giá đậu tương ở mức 14.850 đồng/kg. Tương tự, giá ngô Mỹ chào bán tại cảng cũng giảm nhẹ về mức 8.600 đồng/kg cho kỳ hạn giao tháng 04,05. Việc giá nông sản thế giới liên tục điều chỉnh giảm sẽ là cơ hội để các nhà máy thức ăn chăn nuôi trong nước nhập khẩu nguyên liệu đầu vào với mức giá thích hợp, từ đó hạ giá thành sản xuất.
Cũng trong sáng nay, giá heo hơi trên toàn quốc ghi nhận giao động đi ngang trong khoảng 48.000 – 53.000 đồng/kg; chưa có sự thay đổi nhiều so với đầu tuần trước đó.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Nguồn: Mxv