Kết thúc ngày giao dịch đầu tuần, lực bán hoàn toàn áp đảo khiến bảng giá hàng hoá nguyên liệu chìm trong sắc đỏ. Chỉ số MXV-Index giảm gần 2% xuống mức 2.940 điểm. Tuy nhiên, giá trị giao dịch toàn Sở vẫn đạt hơn 4.900 tỷ đồng. Trong đó, thị trường Kim loại và Năng lượng ghi nhận lượng lớn dòng tiền từ giới đầu tư với hàng loạt các vị thế bán được mở ra; chiếm đến gần 70% tổng giá trị giao dịch kể trên. Trong đó, dòng tiền riêng nhóm Kim loại đã tăng mạnh gần 30%, đạt 1.055 tỷ đồng, mức cao nhất trong vòng 1 tháng qua.

Quặng sắt kỳ hạn tháng 5 trên Sở Singapore là mặt hàng dẫn dắt xu hướng của toàn thị trường với mức giảm sâu 9,68% xuống 136,17 USD/tấn. Như vậy, quặng sắt đã có tới 5 phiên giảm trên 6 phiên giao dịch gần nhất, còn so với đầu tháng 04, mặt hàng này đã giảm đến hơn 18%.

Nguyên nhân chính dẫn đến mức sụt giảm trên vẫn phải kể đến nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh ở Trung Quốc do tình hình phức tạp của dịch bệnh. Theo thống kê mới nhất của Hiệp hội Thép thế giới, sản lượng thép thô toàn cầu trong tháng 03 giảm 5,8% so với cùng kỳ năm 2021 xuống mức 161 triệu tấn. Mức giảm này chủ yếu đến từ mức giảm tới 10% sản lượng của Trung Quốc, nước cung cấp đến hơn 50% sản lượng thép toàn thế giới. Còn tính trong 3 tháng đầu năm nay, sản lượng thép thô toàn cầu cũng đã giảm 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống mức là 456,6 triệu tấn.

Thị trường Năng lượng cũng chứng kiến mức giảm tương đối mạnh, hơn 3% của cả hai mặt hàng dầu thô. Dầu WTI kỳ hạn tháng 6 trên Sở NYMEX một lần nữa tuột khỏi mốc 100 USD/thùng sau gần 2 tuần. Trong khi đó, dầu thô Brent tháng 7 trên Sở ICE cũng đã giảm còn hơn 102 USD/thùng.

Các lệnh phong toả của Trung Quốc tiếp tục là yếu tố đe doạ nhu cầu tiêu thụ dầu thế giới. Đã 4 tuần kể từ khi Thượng Hải bắt đầu các lệnh hạn chế nghiêm ngặt nhưng vẫn chưa có dấu hiệu thành công trong kiểm soát dịch. Điều này không chỉ đe doạ đến nền kinh tế thứ 2 toàn cầu mà còn cả thế giới, khi sự suy giảm sức mua hàng hoá nói chung và năng lượng nói riêng của nước này tạo ra nhiều lo ngại lớn trên thị trường. Theo ước tính, nhu cầu tiêu thụ dầu của quốc gia nhập khẩu hàng đầu có thể sẽ giảm đến 1,2 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 1,2% nhu cầu toàn cầu.

Trong khi đó, nguồn cung dầu đang cho thấy không có sự sụt giảm như dự đoán bạn đầu. Ngày hôm qua, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Mỹ cho biết sản lượng dầu nước này sẽ tăng dần lên để bù đắp mức thiếu hụt từ Nga. Theo số liệu từ hãng dịch vụ Dầu khí Baker Hughes, số lượng giàn khoan dầu khí tại Mỹ tiếp tục có tuần tăng thứ 5 liên tiếp lên 695 giàn trong tuần trước.

Bên cạnh đó, dữ liệu theo dõi tàu chở hàng của Bloomberg cho thấy lượng dầu xuất khẩu bằng đường biển của Nga trong tuần kết thúc ngày 22/04 vẫn duy trì ở mức 4 triệu thùng. Lượng dầu bán sang thị trường châu Á tăng dần lên khi mà chênh lệch giữa giá dầu Brent và giá sản phẩm chủ lực của Nga, dầu Urals vẫn duy trì ở mức trên 30 USD/thùng.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

 

 

 

Nguồn: Mxv