Sau 3 phiên hồi phục nhẹ, giá hàng hoá nguyên liệu thế giới đảo chiều suy yếu trong ngày hôm qua, thể hiện qua mức sụt giảm 0,34% xuống 2.219 điểm của chỉ số MXV- Index. Điều này cho thấy, thị trường hàng hoá vẫn khó khăn trong việc trở lại xu hướng tăng. Tuy nhiên, với ưu thế của thị trường giao dịch 2 chiều T0, chốt phiên, giá trị giao dịch toàn Sở tiếp tục tăng gần 6%, đạt 4.900 tỷ đồng.
Nông sản là thị trường chịu sức ép bán mạnh nhất trong ngày hôm qua với các mức giảm rất sâu của các mặt hàng nhóm đậu tương. Dầu đậu tương dẫn dắt xu hướng, chốt phiên giảm đến hơn 4,5%. Khô đậu tương cũng đóng cửa giảm gần 3%, xu hướng giảm của mặt hàng này đã kéo dài suốt 2 tuần trở lại đây với 10 phiên liên tiếp đóng cửa trong sắc đỏ.
Cùng với đó, đà giảm mạnh của giá đậu tương tiếp tục mở rộng sang phiên thứ 3 liên tiếp và kéo giá suy yếu về mức 258 USD/tấn thấp nhất kể từ tháng 10 năm ngoái. Loạt thông tin tích cực về nguồn cung ở Nam Mỹ với điều kiện thời tiết rất thuận lợi cho hoạt động sản xuất, chính là yếu tố thúc đẩy lực bán đối với nhóm đậu tương trong giai đoạn vừa qua.
Thêm vào đó, việc các nước cung ứng lớn đẩy mạnh thu hoạch và xuất khẩu trong giai đoạn này cũng đã liên tục tạo sức ép lên giá đậu tương. Dự báo, sản lượng đậu tương năm nay của Brazil sẽ đạt mức kỷ lục 153,6 triệu tấn, tăng đến hơn 18% so với năm ngoái. Dự báo xuất khẩu đậu tương, dầu đậu tương và khô đậu tương của nước này theo đó cũng tăng mạnh.
Thêm vào đó, theo thống kê, tính từ tháng 09/2022 tới tháng 02/2023, Ukraine đã xuất khẩu tới 1,9 triệu tấn đậu tương, mức cao nhất được ghi nhận trong vòng 3 năm qua. Trong đó, khoảng 51% khối lượng đậu tương trên, tương đương 981 nghìn tấn, được nhập khẩu bởi các nước EU.
Còn trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay, với việc giá nguyên liệu đầu vào ngành thức ăn chăn nuôi hạ nhiệt, giá thịt lợn hơi tiếp tục đi ngang trong khoảng giá 48.000 - 52.000 đồng/kg.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Nguồn: Mxv