Thị trường hàng hoá đóng cửa hôm qua với lực mua tích cực trên 3 nhóm Nông sản, Nguyên liệu công nghiệp và Kim loại. Điều này đã hỗ trợ cho chỉ số MXV-Index nối dài đà tăng sang ngày thứ 4 liên tiếp, lên mức 2.650 điểm. Đáng chú ý, dòng tiền đến thị trường có sự gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt là đến nhóm các mặt hàng Nguyên liệu công nghiệp và Kim loại; thể hiện việc nhà giao dịch Việt Nam đang rất chú trọng đa dạng hóa danh mục đầu tư. Giá trị giao dịch toàn Sở tăng vọt đến hơn 50%, đạt mức 5.500 tỷ đồng, cao nhất trong vòng hơn 2 tháng trở lại đây.

Nông sản là nhóm dẫn dắt xu hướng toàn thị trường trong ngày hôm qua với toàn bộ 7/7 mặt hàng bật tăng mạnh mẽ. Mặc dù chỉ tăng gần 1%, tuy nhiên đây là ngày thứ 4 liên tiếp, giá ngô giữ được đà tăng. Còn tính trong 10 ngày giao dịch gần nhất, mặt hàng này chỉ có 2 ngày suy yếu. Trong khi đó, 2 hợp đồng lúa mì đều tăng mạnh 2,24%. Đậu tương cũng phục hồi hơn 2% lên trên 527 USD/tấn sau phiên giảm giá trước đó. Đây cũng là mức tăng theo ngày mạnh nhất trong 3 tuần trở lại đây của mặt hàng này.

Theo báo cáo của Uỷ ban châu Âu được phát hàng tối qua theo giờ Việt Nam, tốc độ xuất khẩu lúa mì niên vụ 22/23 của EU chậm lại trong tuần vừa qua và ngay lập tức tạo hỗ trợ lên giá lúa mì trên Sở Chicago. Thêm vào đó, theo số liệu trong báo cáo mới đây của Bộ Nông nghiệp Mỹ, nước này đã đã giao 594 nghìn tấn lúa mì trong tuần vừa qua, cao hơn so với mức 389 nghìn tấn của tuần trước đó. Khối lượng giao hàng của Mỹ được cải thiện đã giúp giá lúa mì bật tăng mạnh mẽ.

Đối với nhóm đậu tương, dịch vụ kiểm định chất lượng cây trồng của Liên minh châu Âu MARS vừa hạ dự báo năng suất của các cây trồng vụ hè thêm một lần nữa do điều kiện thời tiết khô nóng. Đây không chỉ là yếu tố hỗ trợ cho giá đậu tương mà còn là thúc đẩy giá 2 mặt hàng thành phẩm là khô và dầu đậu. Bên cạnh đó, mới đây, Hiệp hội thương nhân ngũ cốc cũng đã cắt giảm dự báo tổng sản lượng ngũ cốc và hạt lấy dầu năm 2022 của Ukraina xuống còn 64,5 triệu tấn từ mức dự báo trước đó là 69,4 triệu tấn.

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay tại Cảng Cái Lân, giá khô đậu tương nhập khẩu được chào bán trong khoảng 13.250 – 13.350 đồng/kg tuỳ kỳ hạn đến cuối năm nay, giá ngô dao động trong khoảng 8.000 – 8.450 đồng/kg. Như vậy, so với đầu năm nay, giá nông sản nhập khẩu đã tăng 8% đối với đậu tương Mỹ và khoảng 10% đối với ngô Mỹ. Mặc dù đã trải qua điều chỉnh giảm, nhưng giá nguyên liệu đầu vào hiện vẫn neo ở mức cao gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, do ngành chăn nuôi nước ta vẫn đang phụ thuộc rất lớn vào nguyên liệu nhập khẩu.

Theo MXV, do giá nông sản thế giới tăng mạnh, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm trong nước cũng đã tăng đến hơn 30%. Sau nhiều tuần biến động thất thường, hiện giá heo hơi trên toàn quốc đang tương đối cao, dao động quanh mức 63.000 – 70.000 đồng/kg. Để ổn định thị trường thịt heo và nhất là đảm bảo nguồn cung khi dịp Tết Nguyên đán đang tới gần, ngành chăn nuôi cần có các biện pháp kịp thời, đặc biệt trong việc chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

 

Nguồn: Mxv