Giá hàng hoá nguyên liệu thế giới tiếp tục có diễn biến phân hoá trong tuần vừa qua. Đóng cửa tuần, lực mua chiếm ưu thế hơn ở nhóm kim loại và nguyên liệu công nghiệp đã giúp Chỉ số MXV-Index tăng 0,38% lên 2.185 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở trung bình đạt gần 4.000 tỷ đồng mỗi ngày, tăng hơn 22% so với tuần trước đó.
Nhóm kim loại là điểm nhấn của thị trường trong tuần vừa qua với 7 trên 10 mặt hàng ghi nhận các mức tăng mạnh. Cụ thể, chốt tuần, giá bạc trên sở COMEX tăng hơn 7%, giá Bạch Kim tăng 6,6% và giá Chì trên sở LME cũng tăng hơn 5% so với tuần trước.
MXV cho biết thị trường kim loại đang phản ứng tích cực với kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã hoàn thành xong chu kỳ tăng lãi suất. Loạt dữ liệu kinh tế tiêu cực và lạm phát hạ nhiệt tại Mỹ đã củng cố cho kỳ vọng này.
Cụ thể, Bộ Lao động Mỹ cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 của Mỹ tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo và giảm tốc từ mức tăng 3,7% vào tháng 9. Về lạm phát tại cổng nhà máy, chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 10 Mỹ tăng 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái, hạ nhiệt nhanh so với mức tăng 2,2% của tháng 9 và thấp hơn 0,6 điểm phần trăm so với dự báo, cho thấy áp lực lạm phát tại Mỹ đang giảm.
Với việc lạm phát đang hạ nhiệt và các hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ giảm tốc, FED ngày càng có ít không gian để tiếp tục tăng lãi suất. Điều này đã kéo đồng USD suy yếu. Chỉ số Dollar Index giảm 1,84% về 103,92 điểm. Theo đó, nhà đầu tư phân bổ dòng tiền quay lại nhóm kim loại quý, mặt hàng vốn nhạy cảm với lãi suất và biến động tiền tệ.
Trong một diễn biến đáng chú ý khác, giá dầu đánh dấu chuỗi giảm 4 tuần liên tiếp, trong đó có thời điểm chạm mức thấp nhất trong vòng hơn 4 tháng qua. Cụ thể, giá dầu WTI giảm 1,66% xuống 75,89 USD/thùng. Dầu Brent chốt tuần với mức giá 80,61 USD/thùng sau khi giảm 1,01%.
Thị trường ghi nhận một số tín hiệu tích cực hơn về nguồn cung, trong khi sức tiêu thụ có dấu hiệu suy yếu. Điều này khiến giá dầu liên tục đối diện với sức ép, thể hiện qua 3 trong tổng số 5 ngày giảm giá trong tuần.
Đà giảm của giá dầu chỉ được thu hẹp trong ngày cuối tuần, khi các nhà đầu tư thận trọng trước thềm cuộc họp của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) ngày 26/11 tuần này. Hãng tin Reuters trích dẫn ba nguồn tin của OPEC+, cho biết nhóm sẽ xem xét cắt giảm nguồn cung dầu bổ sung sau khi giá giảm gần 20% kể từ cuối tháng 9. Ngân hàng Goldman Sachs cũng kỳ vọng OPEC+ sẽ hành động để hỗ trợ duy trì vùng giá 80 - 100 USD/thùng.
Về xu hướng giá hàng hoá tuần này, MXV cho biết, thị trường đang khá thận trọng bởi ngày thứ năm 23/11 sẽ là Ngày nghỉ lễ tạ ơn của các Sở Giao dịch tại Mỹ, nên nhiều mặt hàng sẽ nghỉ giao dịch hoặc đóng cửa sớm. Ngoài ra, do đây là kỳ nghỉ lớn trong năm, nên khối lượng giao dịch trước và sau ngày này cũng sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng.
Cũng theo MXV, có hai thông tin rất quan trọng trong tuần này mà các nhà đầu tư cần lưu ý là Biên bản Họp của FED vào 2:00 sáng thứ Sáu (24/11) và cuộc họp của nhóm OPEC+ vào Chủ nhật (26/11). Các thông tin này sẽ tác động nhiều nhất tới nhóm Năng lượng và Kim loại. Hiện nay giá dầu đã giảm 4 tuần liên tiếp và thị trường kỳ vọng sẽ có bất ngờ tạo ra bước ngoặt sau cuộc họp của OPEC+ tới đây, cụ thể là một động thái hỗ trợ giá nào đó từ các nước trong nhóm. Vì thế, dù thông tin công bố vào cuối tuần, nhưng các nhà đầu tư cũng cần đặc biệt theo sát để đảm bảo hoạt động giao dịch được hiệu quả nhất.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Nguồn: Mxv