Đóng cửa hôm qua ngày 16/06, thị trường có sự phân hoá khiến chỉ số MXV- Index chỉ tăng nhẹ 0,33% lên mức 2.990 điểm sau gần một tuần liên tục giảm điểm. Ngoại trừ đà lao dốc của nhóm kim loại cơ bản, lực mua hoàn toàn chiếm ưu thế đối với các nhóm mặt hàng còn lại. Dòng tiền đầu tư ghi nhận được tiếp tục gia tăng. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt mức gần 6.100 tỷ đồng sau 4 phiên tăng liên tiếp.

Đáng chú ý là đà hồi phục mạnh mẽ của thị trường nông sản với 5 trên tổng số 7 mặt hàng tăng giá. Hai mặt hàng đi ngược với diễn biến chung của thị trường là gạo thô và dầu đậu tương. Trong đó, dầu đậu tương giảm sâu 1,71%, kết thúc ngày hôm qua ở mức 1.683 USD/tấn, nối dài đà giảm sang phiên thứ 6 liên tiếp, theo sự suy yếu chung của giá dầu thực vật thế giới.

Còn ở chiều ngược lại, khô đậu tương dẫn dắt xu hướng của toàn nhóm với mức tăng gần 3%, chốt ở 473,66 USD/tấn, đánh dấu phiên đóng cửa trong sắc xanh đầu tiên sau chuỗi giảm giá liên tiếp trong 4 phiên trước đó. Điều này cũng cho thấy triển vọng nguồn cung tại Mỹ còn chưa chắc chắn do mùa vụ đang đứng trước nhiều rủi ro.

Theo Báo cáo Xuất khẩu của USDA, mặc dù khối lượng bán đậu tương của Mỹ trong tuần vừa qua giảm xuống nhưng lũy kế bán hàng niên vụ 21/22 đã đạt 60,28 triệu tấn, cao hơn so với dự báo của USDA ở mức 59,06 triệu tấn. Khối lượng giao hàng đạt 708 nghìn tấn, cải thiện đáng kể so với mức 476 nghìn tấn của tuần trước đó. Ngoài ra, theo Refinitiv, 1 triệu tấn đậu tương Mỹ sẽ đến Trung Quốc trong tháng 6 này, mức cao nhất trong vòng 5 năm qua. Những số liệu này này càng củng cố khả năng USDA sẽ tăng dự báo xuất khẩu đậu tương niên vụ 21/22 của Mỹ và từ đó hỗ trợ giá trong phiên hôm qua.

Còn trong báo cáo mới nhất, hãng tư vấn IHS Markit cũng đã cắt giảm dự báo diện tích gieo trồng đậu tương năm nay của Mỹ xuống còn 88,74 triệu mẫu, thấp hơn so với mức 90,96 triệu mẫu trong báo cáo của USDA. Sản lượng đậu tương Mỹ, theo IHS, cũng thấp hơn khoảng 2 triệu tấn so với ước tính của USDA. Không chỉ có diện tích, năng suất đậu tương cũng là yếu tố đáng lưu ý và có khả năng sẽ làm thiệt hại tới sản lượng thu hoạch. Dự báo nắng nóng có thể kéo dài sang tháng 07 làm dấy lên nhiều lo ngại vụ mùa đậu tương có thể bị ảnh hưởng trong giai đoạn phát triển sớm. Những lo ngại về nguồn cung tại Mỹ thắt chặt hơn đã hỗ trợ cho giá đậu tương bật tăng trở lại.

Cũng trong báo cáo của IHS, diện tích gieo trồng lúa mì của Mỹ năm 2022 được dự báo ở mức 46,44 triệu mẫu, thấp hơn mức 47,35 triệu mẫu của USDA. Điều này làm gia tăng lo ngại về sản lượng bị cắt giảm trong báo cáo cuối tháng 6 sắp tới của USDA. Đặc biệt là trong bối cảnh nguồn cung từ biển Đen khó được nối lại như hiện nay, đây càng là yếu tố hỗ trợ cho đà tăng của giá lúa mì. Thông tin trên đã hỗ trợ cho giá lúa mì Chicago bật tăng mạnh mẽ 2,69% lên mức 396,19 USD/tấn, chấm dứt chuỗi đi ngang trước đó.

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay, giá heo hơi toàn quốc tiếp tục đi ngang, dao động trong khoảng 53.000 - 58.000 đồng/kg và vẫn chưa thể vượt mức 60.000 đồng. Mặc dù giá nông sản thế giới vẫn duy trì ở mức cao gây áp lực lên nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp, nhà máy TĂCN. Tuy nhiên giá sản phẩm đầu ra không thể tăng cùng chiều khiến ngành chăn nuôi trong nước đối mặt nhiều khó khăn.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Nguồn: Mxv