Kết thúc ngày giao dịch hôm qua (10/11), chỉ số hàng hoá MXV- Index đảo chiều tăng 0,66% lên 2.504 điểm, kết thúc chuỗi giảm 3 phiên liên tiếp trước đó. Đáng chú ý, giá trị giao dịch toàn Sở cũng đã tiếp tục tăng mạnh ngày thứ 3 liên tiếp với mức tăng hơn 7%, đạt trên 7.000 tỷ đồng, là mức cao nhất trong vòng gần 6 tháng trở lại đây và cao hơn đến 70% so với mức trung bình trong tháng 10.

Đóng góp quan trọng vào đà tăng của thị trường trong ngày hôm qua là mức tăng mạnh của các mặt hàng kim loại, do được hỗ trợ bởi số liệu lạm phát tích cực tại Mỹ trong tháng 10 vừa qua. Cụ thể, có đến 9 trên tổng số 10 mặt hàng trong nhóm đồng loạt chốt phiên hôm qua trong sắc xanh. Trong đó, giá bạch kim kỳ hạn tháng 01 năm sau trên Sở NYMEX bật tăng rất mạnh gần 5,8% lên 1.055 USD/ounce, đóng cửa ở mức cao nhất kể từ giữa tháng 03 năm nay. Theo sau đó, hợp đồng Niken trên Sở LME cũng tăng hơn 5% lên 25.949 USD/tấn. Giá đồng trên cả 2 Sở COMEX và LME cũng đều ghi nhận các mức tăng tích cực.

Yếu tố chính tác động trực tiếp lên giá kim loại đến từ dữ liệu của Chính phủ Mỹ vào tối qua cho thấy lạm phát đang chậm lại trong tháng 10. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đẩy mức tăng hàng năm xuống dưới 8% lần đầu tiên trong tám tháng qua.

Con số này thấp hơn mức tăng 8,2% vào tháng 9 và thấp hơn nhiều so với dự đoán ở mức 8% của thị trường, cho thấy giá cả hàng hoá tại Mỹ đang dần có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất. Điều này đã kéo dòng tiền quay trở lại thị trường hàng hoá nói chung, từ đó hỗ trợ cho giá kim loại và đặc biệt là kim loại quý vốn nhạy cảm với lãi suất và tiền tệ.

Ở chiều ngược lại, quặng sắt là mặt hàng duy nhất trong nhóm giảm giá với mức giảm hơn 2% xuống 86,5 USD/tấn do sức ép từ nhu cầu tiêu thụ suy yếu. Dữ liệu mới nhất từ Trung Quốc cho thấy, doanh số bán ô tô của nước này ghi nhận mức tăng chậm nhất trong 5 tháng vào tháng 10 vừa qua, chỉ tăng 6,9% so với mức tăng đáng kể 25,7% trong tháng 9, và điều này đã gây sức ép tới sắt thép, vốn chiếm khoảng 6% nhu cầu cho sản xuất ô tô tại quốc gia này.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Nguồn: Mxv