Đóng cửa tuần giao dịch vừa qua, thị trường hàng hoá đảo chiều tăng trở lại, kết thúc chuỗi giảm 3 tuần liên tiếp trước đó. Mặc dù lực bán áp đảo trên cả 3 nhóm Năng lượng, Nông sản và Nguyên liệu công nghiệp, tuy nhiên lực mua rất mạnh trên thị trường Kim loại đã hỗ trợ chỉ số MXV- Index tăng 0,34%, chốt ở mức 2.451 điểm. Dòng tiền đầu tư đến thị trường cho thấy sự ổn định ở tất cả các phiên trong tuần. Giá trị giao dịch toàn Sở trung bình đạt 4.500 tỷ đồng mỗi phiên.

Thị trường kim loại là tâm điểm thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong nước và quốc tế trong tuần qua với toàn bộ 10 mặt hàng thuộc nhóm này đồng loạt đóng cửa trong sắc xanh. Trong đó, nhiều mặt hàng ghi nhận các mức tăng mạnh nhất trong vòng nhiều tháng. Hợp đồng Niken trên Sở LME tăng vọt đến hơn 13% lên 28.862 USD/tấn. Các kim loại cơ bản như đồng, nhôm, quặng sắt cũng đều tăng từ 6 - 8%. Đối với kim loại quý, giá bạc kỳ hạn tháng 3 trên Sở COMEX cũng tăng gần 7,6%, lên 23,25 USD/ounce.

Theo MXV, sự suy yếu của đồng USD là yếu tố chính giúp cho giá các mặt hàng kim loại đặc biệt là kim loại quý nhận được sức mua lớn trong tuần vừa qua. Chỉ số Dollar Index giảm 1,33% xuống còn 104,55 điểm, mức thấp nhất trong vòng 4 tháng; đồng nghĩa với việc chi phí đầu tư và nắm giữ các kim loại quý cũng giảm bớt.

Thêm vào đó, số liệu lạm phát đáng chú ý nhất trong tuần vừa qua là Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), được công bố giảm so với mức dự báo, làm gia tăng kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất. Điều này mở ra triển vọng nhu cầu tiêu thụ gia tăng khi các hoạt động sản xuất công nghiệp khởi sắc trở lại, từ đó hỗ trợ cho giá kim loại.

Diễn biến đáng chú ý khác, trên thị trường năng lượng. Giá Khí tự nhiên lao dốc hơn 14,3% xuống 6,28 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh. Thời tiết khắc nghiệt đang làm trì hoãn kế hoạch xây dựng các nhà ga khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) đầu tiên của Đức, và ảnh hưởng tới khả năng nhập khẩu của quốc gia tiêu thụ hàng đầu thế giới, gây áp lực lên giá mặt hàng này. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, hợp đồng dầu WTI tháng 1 năm sau trên sở NYMEX tăng 4,85% lên 79,98 USD/thùng. Hợp đồng dầu Brent tháng 02 trên Sở ICE cũng đóng cửa tại mức giá 85,57 USD/thùng, cao hơn 2,06% so với tuần trước.

Kỳ vọng về kịch bản thị trường nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới là Trung Quốc, sẽ sớm mở cửa trở lại; trong khi yếu tố nguồn cung không chắc chắn đã kéo giá dầu phục hồi trong tuần qua. Cụ thể, nguồn cung dầu từ phía Mỹ đang chịu nhiều thách thức khi các công ty khai thác dầu đá phiến gặp khó khăn trong việc gia tăng sản lượng. Mức tăng sản lượng dầu đang chậm lại và một số công ty khai thác lớn nhất cảnh báo về sự sụt giảm sản lượng trong tương lai, do các mỏ dầu hoạt động quá mức và các giếng ghi nhận năng suất kém. Dữ liệu của Baker Hughes cũng báo cáo số lượng giàn khoan dầu khí của Mỹ không có sự thay đổi trong tuần vừa qua, làm dấy lên lo ngại về khả năng lấp đầy khoảng trống mà Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh OPEC+ để lại khi nhóm này quyết định cắt giảm 2 triệu thùng/ngày trong 2 tháng cuối năm nay.

Trên thị trường nội địa, từ 01/12 giá gas trong nước đồng loạt được điều chỉnh tăng khoảng 14.000 đồng/bình 12kg và 58.500 đồng đối với bình 50kg. Theo đó, giá gas bán lẻ đến tay người tiêu dùng tối đa 461.500 đồng/bình 12kg và 1.922.000 đồng/bình 50kg. Theo các doanh nghiệp, do giá gas thế giới tháng 12 chốt ở 650 USD/tấn, tăng 40 USD/tấn so với tháng 11 nên các công ty điều chỉnh tăng tương ứng. Đây là tháng thứ 5 trong năm 2022 giá gas tăng với tổng mức 107.000 đồng/bình 12kg.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

 

 

Nguồn: Mxv