Chốt tuần vừa qua, sắc xanh đỏ đan xen trên bảng giá hàng hoá nguyên liệu thế giới. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng quan trọng ghi nhận các mức giảm mạnh, đã kéo chỉ số MXV-Index giảm 0,44% xuống 2.278 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở trung bình đạt trên 3.600 tỷ đồng mỗi phiên.

Lực bán chủ yếu đến từ các mặt hàng nhóm nông sản và nguyên liệu công nghiệp. Trong khi đó, đà tăng của nhóm năng lượng và kim loại đã góp phần hạn chế mức giảm chung của toàn thị trường.

Trên thị trường nông sản, ngoại trừ mức tăng 0,54% của gạo thô, tất cả các mặt hàng còn lại đồng loạt đóng cửa trong sắc đỏ. Đáng chú ý, 3 mặt hàng Dầu đậu tương, Lúa mì Chicago và Lúa mì Kansas đều giảm mạnh trên 6%, dẫn dắt xu hướng của toàn thị trường. Với mức giảm lên tới 6,56% xuống còn 198,97 USD/tấn, giá lúa mì đã thiết lập tuần giảm giá mạnh nhất kể từ cuối tháng 7. Cùng với đó, đậu tương cũng đã xuống mức thấp nhất 2 tháng, sau khi đánh mất 1,64% giá trị trong tuần vừa qua.

MXV cho biết, triển vọng nguồn cung tích cực tại Mỹ là yếu tố chính giúp lý giải cho diễn biến giá nông sản tuần trước. 

Cụ thể, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính trong báo cáo mới nhất, tổng sản lượng lúa mì niên vụ 23/24 đạt trên 48,9 triệu tấn, cao hơn cả dự đoán của thị trường cũng như số liệu từ báo cáo trước đó. Bên cạnh đó, Báo cáo tồn kho ngũ cốc cho thấy, tồn kho lúa mì của Mỹ tính tới ngày 1/9 đạt 48,4 triệu tấn, cũng cao hơn so với mức dự đoán trung bình của thị trường. Sản lượng của Mỹ tăng cao giúp nguồn cung toàn cầu mở rộng, đã gây sức ép lớn lên giá lúa mì.

Tương tự, số liệu tích cực từ năng suất, sản lượng của Mỹ cũng đã là yếu tố chính gây sức ép lên giá 3 mặt hàng nhóm đậu tương. Thêm vào đó, triển vọng nhu cầu sụt giảm tại Ấn Độ, quốc gia nhập khẩu dầu ăn lớn nhất thế giới, là yếu tố gián tiếp gây sức ép lên giá dầu đậu tương trong tuần trước. Cụ thể, tồn kho dầu ăn tại Ấn Độ được dự kiến sẽ tăng lên mức 3,37 triệu tấn vào ngày 1/11, so với mức 2,46 triệu tấn một năm trước. Theo đó, nhập khẩu dầu ăn của Ấn Độ trong niên vụ mới có thể sẽ giảm xuống 15,8 triệu tấn, so với mức 16,6 triệu tấn trong năm nay.

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong cuối tuần trước, giá chào bán khô đậu tương Nam Mỹ về cảng Cái Lân dao động quanh mức 13.650 đồng/kg đối với kỳ hạn giao 2 tháng cuối năm. Với kỳ hạn giao quý I năm sau, giá giao dịch ở mức 12.850 đồng/kg. Như vậy, giá chào bán khô đậu tương đã cao hơn khoảng 150 – 250 đồng/kg so với tuần trước đó.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

 

Nguồn: Mxv